Một cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu khẳng định ông đã góp đủ số vốn 13,2 tỉ đồng như đã đăng ký.
Liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) đăng ký tăng vốn điều lệ "khủng" lên tới gần 128 ngàn tỉ đồng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, nhóm cổ đông sáng lập gồm 5 người.
Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ khá khiêm tốn, ở mức 132 tỉ đồng. Nhóm cổ đông cá nhân sáng lập doanh nghiệp gồm: ông Bùi Văn Việt (nắm 18% vốn điều lệ), bà Phạm Thị Thành (nắm 36% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hậu (nắm 18% vốn điều lệ), ông Đỗ Công Đảng (nắm 18% vốn điều lệ) và ông Trần Đức Thuỷ (nắm 10% vốn điều lệ).
Nơi đăng ký trụ sở doanh nghiệp có vốn 128 ngàn tỉ đồng chỉ là điểm rửa xe |
Ngày 20-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ qua điện thoại với ông Trần Đức Thuỷ, một trong số những cổ đông sáng lập doanh nghiệp nêu trên.
Ông Trần Đức Thuỷ (nguyên quán ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đăng ký góp vốn 13,2 tỉ đồng vào Công ty Toàn Cầu. Theo ông Thuỷ, toàn bộ số vốn này ông đã góp đủ. Tuy nhiên, khi được hỏi về hoạt động của công ty, thì ông Thuỷ nói rằng ông chỉ góp vốn, còn không tham gia sâu vào chuyện làm ăn kinh doanh.
Khi phóng viên đặt vấn đề công ty đăng ký tăng vốn điều lệ lên gần 128 ngàn tỉ đồng từ tháng 6-2019, đến nay đã góp đủ vốn hay chưa, cổ đông này nói rằng "chỉ góp một ít thôi". Ông Thuỷ cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng và tiếp tục khẳng định không tham gia sâu.
"Mình chỉ góp vốn, còn quản lý như thế nào bên Tổng Giám đốc làm"- ông Thuỷ chia sẻ.
Với số vốn góp lớn là 13,2 tỉ đồng nhưng lại không tham gia sâu kinh doanh, ông Thuỷ lý giải vì đây là "chỗ làm ăn quen", một phần do dịch bệnh nên không sát sao.
"Công ty hoạt động sai thì chúng tôi chịu trách nhiệm"- ông Trần Đức Thuỷ nói và có nhắc đến hai cổ đông khác là ông Bùi Văn Việt và bà Phạm Thị Thành, chịu trách nhiệm quản lý công ty.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về các vụ việc "nổ" vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nôi) cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật, đối với việc đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo điểm a khoản 1 Điểu 113 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: "Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp", tiếp theo, theo điểm d khoản 3 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: "Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ".
Theo đó, trong thời hạn đã quy định nêu trên mà doanh nghiệp không thực hiện việc thanh toán đủ số vốn điều lệ đã đăng ký thì sẽ bị xử phạt theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
"Theo tôi việc xử lý các doanh nghiệp có hành vi trên với mức phạt như vậy là còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe"- Luật sư nói và cho biết thêm, hiện đang còn thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong việc đăng ký doanh nghiệp dẫn đến nhiều bất cập trong đó có việc khai khống số vốn góp nhằm trục lợi lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong khi đó chế tài xử lý hành vi trên chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính (chỉ khi bị phát giác) cao nhất là 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt quá nhẹ so với hậu quả khó lường của việc làm trên có thể gây ra, khiến các đối tượng trên coi thường pháp luật.
Vì vậy, để tránh các hành vi trên còn tiếp diễn, ảnh hưởng dư luận xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm, Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp có hành vi nêu trên để xử lý, tránh để gây ra hậu quả khó lường về sau.
Ngoài ra, các nhà làm luật cần xem xét tăng mức khung hình phạt đối với hành vi trên để có đủ sức răn đe các doanh nghiệp khác phải biết tuân thủ pháp luật hơn.
(Theo Người Lao Động)