Quý 3/2015, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) công bố phát hành thành công 73,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 27.548 đồng/cp, mang về khoảng 2.107 tỷ đồng cho ngân hàng. Theo điều khoản chào bán, đây là cổ phiếu ưu đãi cổ tức, mỗi năm cổ đông sẽ nhận được 20% cổ tức bằng tiền mặt tính trên mệnh giá, tương đương với việc lợi suất cổ tức so với giá mua đạt 7,2%/năm.
Đến quý 3 năm 2018, VPB sẽ mua lại toàn bộ 73,2 triệu cổ phiếu nói trên để làm cổ phiếu quỹ với mức giá 34.000 đồng/cp. Như vậy, hiệu suất đầu tư của cổ phần ưu đãi cổ tức (bao gồm cả cổ tức) đạt khoảng 15%/năm, là một mức lợi suất rất hấp dẫn so với thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, khi "thiên thời" của cổ phiếu vua trở lại, nhìn giá VPB phi như bay trước và sau thềm lên sàn niêm yết, thì cổ đông mua cổ phiếu "ưu đãi" không khỏi ngậm ngùi vì không "may mắn" bằng cổ đông nắm giữ cổ phiếu phổ thông.
Thật vậy, kết thúc năm 2015, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu VPB đạt 16.625 đồng/ cổ phiếu. Nếu tính giá mua khi ấy bằng mức giá trị sổ sách thì đến thời điểm hiện tại (chốt ngày 20/03 VPB đạt 65.400 đồng/ cổ phiếu), nhà đầu tư cổ phiếu phổ thông đạt mức lợi suất 285% tương ứng mức lãi hơn 140%/năm (chưa kể các đợt phát hành cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng bằng cổ phiếu trong năm 2016-2017).
Thậm chí mức giá 16.625 đồng/ cổ phiếu vẫn còn là quá cao so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng thời điểm mấy giờ. Trong bối cảnh năm 2015, cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết đang giao dịch trên sàn OTC với tình trạng không ai buồn mua. VPBank được rao ở mức 8.000 đồng/cp; TPBank ở mức 6.000 đồng/CP; ABBank ở mức 3.600 đồng/CP; OCB ở mức 5.000 đồng/CP…
Còn nếu so với những nhà đầu tư mua VPBank trên sàn sau khi cổ phiếu này niêm yết, sự thiệt thòi của 73,5 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức nói trên càng hiện rõ. Tháng 8/2017 VPB chính thức giao dịch trên sàn với giá chào sàn là 39.000 đồng/ cổ phiếu và tính từ đó đến nay cổ phiếu VPB đã tăng gần 70%. Nhìn vào sự tăng giá của VPB có lẽ các nhà đầu tư của đợt phát hành riêng lẻ sẽ ước "nếu thời gian có quay trở lại" để họ có thể đầu tư vào cổ phiếu phổ thông thay vì mua cổ phiếu nhận ưu đãi cổ tức.
Ở một câu chuyện khác, nhà đầu tư lại nhận được mức lợi suất bất ngờ cùng với cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Tháng 8/2016, Tiên Phong Bank đã phát hành 29,2 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức cho công ty Tài chính quốc tế (IFC) tương ứng với 5% vốn điều lệ của Tpbank sau khi tăng vốn. Với mỗi cổ phần này sẽ nhận cổ tức tiền mặt hàng năm 8,5% so với mệnh giá (850 đồng/cổ phiếu) và mức giá phát hành là 13.800 đồng/cổ phiếu. IFC có thể được chuyển đổi sang cổ phần phổ thông khi IFC có yêu cầu trong khoảng thời hạn 5 năm kể từ ngày mua. Thương vụ này tiêu tốn của của IFC khoảng 18,3 triệu USD tương đương 403 tỷ đồng.
Sự lột xác của TPBank sau khi về tay Doji đã đem lại diện mạo mới cho cổ phiếu của ngân hàng này. Tháng 12/2017 quỹ PYN Elite Fund của Phần Lan đã bỏ ra hơn 800 tỷ để mua lại 5% TPBank, tương đương với số lượng sở hữu của IFC. Với số vốn bỏ ra là 40 triệu đô, ước tính giá mua lại mỗi của phần TPB của PYN là khoảng 30.000 đồng/ cổ phiếu. Giá giao dịch trên sàn OTC của TPB hiện nay rơi vào khoảng 28.000-29.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ngoài khoản cổ tức bằng tiền mặt được ưu đãi, thì việc nắm giữ cổ phiếu ưu đãi của IFC cũng mang lại mức lợi nhuận hơn 100% cho tổ chức này chỉ sau hơn một năm nắm giữ. TPB dự kiến sẽ niêm yết lên HOSE trong năm nay.