Các doanh nghiệp niêm yết nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang bắt đầu bước vào mùa đại hội đồng cổ đông năm 2021. Cũng như những năm trước, bên cạnh kết quả kinh doanh năm trước, kế hoạch kinh doanh cho năm mới, thì một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm chính là việc phân phối lợi nhuận .
Ngân hàng "thoát" áp lực
Trong nhiều năm qua, câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt vẫn luôn là "điểm nóng" tại các kỳ đại hội, khi lãnh đạo nhà băng buộc phải cân đối giữa nhu cầu tăng vốn và yêu cầu của cổ đông.
Trong khi nhiều cổ đông muốn thu về "tiền tươi thóc thật" từ khoản đầu tư của mình thì nhiều nhà băng lại đang gặp áp lực tăng vốn do phải tuân thủ Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tức hệ số an toàn vốn (CAR) phải được tính toán đầy đủ theo chuẩn Basel II. Năm 2020 và cả năm nay, chất lượng tài sản của nhà băng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 càng làm cho nhu cầu này trở nên bức thiết hơn.
Từ đầu năm 2020, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong đó, nhà điều hành đặc biệt yêu cầu các ngân hàng trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay.
Có thể nói, Chỉ thị 02 đã giúp "gỡ rối" cho các nhà băng, không còn chịu áp lực của cổ đông trong vấn đề chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời, có thể dễ dàng thực hiện kế hoạch tăng vốn.
Đặc biệt, đối với các ngân hàng có vốn Nhà nước như VietinBank, Vietcombank hay BIDV, khả năng tăng vốn cũng được mở rộng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, cho phép các ngân hàng cổ phần nhà nước được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hồi cuối tháng 11/2020, cổ đông VietinBank đã thông qua việc thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.
Theo đó, VietinBank dự kiến phát hành 1,07 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 28,7899% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Sau khi tiến hành chia cổ tức, vốn điều lệ Vietinbank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 47.953 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù chưa công bố tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ sắp tới, nhưng nhiều khả năng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Vietcombank cũng sẽ được đưa ra.
Sau khi hoàn thành phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho hai nhà đầu tư ngoại hồi đầu năm 2019, cho tới nay, vốn điều lệ của Vietcombank vẫn đang duy trì ở mức gần 37,1 nghìn tỷ đồng.
Mức vốn này đang thấp hơn mức kế hoạch tại Phương án cơ cấu đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020. Nếu không tăng được vốn, Vietcombank có thể sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của Vietcombank cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Cổ đông thụ động, chưa quên quan ngại thuế
So với nhóm "big 4", việc tăng vốn đối với các ngân hàng TMCP có phần đỡ phức tạp hơn. Với sự ra đời của Chỉ thị 02 nói trên, các nhà băng càng có nhiều thuận lợi, và dự kiến trong năm nay, sẽ có nhiều thành viên chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lớn.
MSB là một ví dụ. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 24/3 tới, ngân hàng dự kiến trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho các cổ đông.
Cụ thể, ngân hàng này dự kiến phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ tối đa là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động và không quá 6 tháng kể từ ngày ĐHĐCĐ năm 2021 kết thúc.
Một ngân hàng khác là ACB cũng dự kiến sẽ chi trả cổ tức "khủng" trong thời gian tới để tăng vốn điều lệ. Theo đó, ngân hàng sẽ sẽ phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ thực hiện tới 25%.
Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến sẽ tăng thêm hơn 5.400 tỷ đồng, lên mức 27.019 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để tăng vốn đến từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập các quỹ của năm 2020 và lợi nhuận còn lại chưa chia tính đến thời điểm 31/12/2020. Việc tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được hoàn thành trong quý 3 năm nay.
Trong khi đó, tại SHB, ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng (tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại).
Tại đại hội sắp tới, ngân hàng VIB sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn, bao gồm chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và chào bán cổ phiếu. Năm ngoái, nhà băng này cũng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 30%.
Mới đây nhất, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tương đương tăng 20,6%).
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 – quý 4/2021.
Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Việc phát hành dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiện sự chờ đợi đang tập trung ở hai thành viên có lợi nhuận lớn nhất khối NHTMCP tư nhân là Techcombank và VPBank. Họ sẽ tiến hành trả cổ tức năm nay hay sẽ tiếp tục chưa chi trả như năm ngoái?
Còn với cổ đông các ngân hàng nói chung, sự thụ động vẫn tiếp tục ở việc chấp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, chính sách thuế đánh vào cổ tức bằng cổ phiếu cũng là một điểm băn khoăn nổi bật của nhà đầu tư trong năm 2020.
Giai đoạn trước, sự thụ động đó cũng từng có những năm trở nên "ngột ngạt" hơn khi nhà quản lý giám sát chặt từng NHTM ở hình thức và tỷ lệ được chi trả rất cụ thể.