Tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2019 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB), một nhà đầu tư đưa ra so sánh: "Một cổ đông Vietcombank tương đương hơn 6 cổ đông SHB”. Vị này lý giải nhận xét như vậy là do cổ phiếu VCB của Vietcombank đang gấp hơn 6 lần thị giá cổ phiếu SHB.
Hai mã được đặt lên bàn cân, VCB là cổ phiếu nhà băng có thị giá cao nhất, trong khi SHB có thị giá thấp nhất trên thị trường trong nhóm ngân hàng trên sàn. Thực tế, tính đến cuối phiên 3/5, một cổ phiếu VCB có giá 66.500 đồng, trong khi SHB ở mức 7.500 đồng, chênh lệch 9 lần.
Cổ đông này cũng cho rằng, ban lãnh đạo ngân hàng luôn nói cổ phiếu SHB không phản ánh đúng giá trị ngân hàng, nhưng không có động thái cụ thể. “Nếu Chủ tịch định giá cổ phiếu ngân hàng hơn 10.000/cp, vậy hãy mua lại cổ phiếu của chúng tôi với giá đó, tôi sẵn sáng bán”, cổ đông này cho biết.
Cổ đông chất vấn cổ tức và thị giá tại phiên họp của SHB. Ảnh: Lê Hải.
Điểm khác mà cổ đông tiếp tục đặt lên "bàn cân" là vấn đề cổ tức. Vị cổ đông này bức xúc cho rằng đầu tư vào cổ phiếu SHB đã 3 năm, giá trên thị trường vẫn chưa về mệnh giá, trong khi cổ tức năm 2017 chưa được nhận. "Đầu tư vào SHB còn thiệt hơn việc gửi tiết kiệm ngân hàng", cổ đồng này nêu quan điểm.
Một cổ đông có tuổi khác cũng bày tỏ ngân hàng có thể chia cổ tức một phần bằng tiền, một phần bằng cổ phiếu để khích lệ tinh thần nhà đầu tư đi cùng ngân hàng. Bên cạnh đó, đây cũng có thể cách để tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng. Nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, lượng free-float trên thị trường lớn, khiến giá cổ phiếu khó tăng giá.
Trước những chất vấn của cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB khi đó chấn án rằng bản thân ông cũng là cổ đông, cũng rất muốn được chia cổ tức. Tuy nhiên, ngân hàng phải giải quyết xong những hệ lũy từ việc sáp nhập với Habubank mới có thể chia cổ tức. Ngoài ra, SHB cần tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II, và phục vụ cho sự phát triển của các công ty con nên phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất.
Diễn biến tại SHB cũng tương tự như hàng loạt các ngân hàng không thực hiện chia cổ tức hoặc chi trả bằng cổ phiếu như SCB, Techcombank, TPBank, Kienlongbank, VPBank, Sacombank, Maritime Bank.
Nhiều ngân hàng chỉ cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không trả. Ảnh minh họa.
Lý do được lãnh đạo các ngân hàng đưa ra chủ yếu do nhà băng cần giữ lại nguồn tiền để củng cố năng lực tài chính, bảo đảm an toàn vốn hoặc phục vụ cho việc phát triển kinh doanh, thành lập công ty tài chính… Mặt khác, theo đại diện của các nhà băng này, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ áp chuẩn Basel II, tất cả các đơn vị cần nâng cao nguồn vốn để đạt yêu cầu.
Trong kỳ họp vừa qua, VietinBank là một trong những nhà băng “sốt sắng” nhất trong việc tăng vốn khi hệ số CAR nếu tính theo Basel II đã dưới 8%. Lãnh đạo ngân hàng này đang trong quá trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chia toàn bộ lợi nhuận 2017-2019 bằng cổ phiếu khi chưa có phương án tăng vốn khác.
Mặt khác, hiện nay NHNN đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thay thế cho thông tư năm 2013. Theo đó, các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Các ngân hàng có nợ xấu tại VAMC có thể sẽ không được chia cổ tức bằng tiền. Ảnh minh họa.
Việc bổ sung này được NHNN lý giải là để đảm bảo các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu. Các quy định này sẽ kiểm soát việc chia cổ tức của các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC. Tuy nhiên, việc chia cổ tức của khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vẫn phải được NHNN lấy ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính.
Trong 2 năm gần đây, với sự thúc đẩy của Chính phủ trong việc niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu, nhiều ngân hàng đã lên sàn chứng khoán, tạo nên sự đa dạng trong bức tranh cổ phiếu ngành này. Riêng năm 2018 có 3 ngân hàng niêm yết trên Sở GDCK TP HCM (HoSE) là HDBank, TPBank, TechcomBank. Trước đó nhiều đơn vị cũng đăng ký giao dịch cổ phiếu vào cuối năm 2017 như, Lienvietpostbank, Kiên Long Bank, Bắc Á Bank…
Ngân hàng "lên sàn" mang đến sự lựa chọn đa dạng cho nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên không phải tất cả các cổ phiếu đều có thể mang lại thành quả cho các cổ đông từ cổ tức hoặc diễn biến cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng
Tính riêng năm 2019, theo kế hoạch được thông qua tại các phiên họp thường niê, chỉ 4 ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt gồm MBBank tỷ lệ 6%, Vietcombank tỷ lệ 8%, BIDV tỷ lệ không thấp hơn 7%, VIB tỷ lệ 5,5%. Trong khi đó nhìn về diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng, theo thống kê trong nửa năm gần đây, chỉ có 3/17 cổ phiếu ngân hàng trên sàn tăng giá là EIB, MBB, VCB.