Hàng loạt cổ đông nội bộ của CTCP Gỗ An Cường đã bán cổ phiếu ra trong tuần cuối cùng của tháng 6.
Ngày 31/5/2021 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Bản công bố thông tin giao dịch từ ngày 24/5 đến ngày 1/6 cho thấy từ anh trai Chủ tịch, các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng Ban kiểm soát cho đến những người thân của họ đã bán ra gần 3,1 triệu cổ phiếu Gỗ An Cường. Con số này tương ứng hơn 3,5% vốn điều lệ của công ty.
Trước đó, con gái Chủ tịch Lê Đức Nghĩa cũng đăng ký bán ra hơn 52.000 cổ phiếu, tức khoảng 0,06% vốn điều lệ.
Theo thông tư 96 (Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán), người nội bộ và những người có liên quan thuộc đối tượng phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Trong trường hợp giao dịch đại chúng trên UPCoM, việc mua bán cổ phần của người nội bộ phải được công bố trước.
An Cường là doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực chế biến gỗ. Công ty cho biết đang nắm hơn 55% thị phần nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu trang trí phân khúc trung – cao cấp tại Việt Nam. An Cường thậm chí đặt mục tiêu tăng thị phần nội địa lên mức 71% năm 2021. Năng lực chế biến gỗ của An Cường hiện đạt khoảng 240.000 m2 mỗi năm.
Doanh thu của An Cường trong năm ngoái đạt 3.754 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước đó. Nguyên nhân đến từ sự chậm lại của thị trường bất động sản (đặc biệt là phân khúc căn hộ) và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhưng lợi nhuận ròng của công ty đem về 492 tỷ đồng, tương đương năm 2019. An Cường đã tiết giảm mạnh chi phí hoạt động, đồng thời ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính gia tăng.
Lợi nhuận ròng của An Cường hàng năm xấp xỉ 500 tỷ đồng, bất kể doanh thu có biến động. Năm 2021, công ty gỗ đặt mục tiêu doanh thu 4.872 tỷ đồng, tăng trưởng 30%; lợi nhuận sau thuế 551 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.
Chính vì hiệu quả kinh doanh ấn tượng, An Cường thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ 30% tiền mặt mỗi năm và dự kiến trong năm 2021 không dưới tỷ lệ này.
An Cường có một bảng cân đối kế toán lành mạnh. Tổng tài sản tại thời điểm kết thúc năm 2020 ghi nhận hơn 4.453 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn trên 1.700 tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng tài sản.
Lượng tiền mặt này một phần đến từ lợi nhuận đều đặn sinh ra hàng năm, ngay cả khi An Cường trả cổ tức tỷ lệ không phải nhỏ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của An Cường thời điểm 31/12/2020 hơn 1.215 tỷ đồng.
Với những điều kiện như vậy, An Cường là một doanh nghiệp hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Từ năm 2016, công ty đã nhận được khoản đầu tư hơn 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital – DEG (Witlam Holding) và sau đó là 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry. Tính đến 31/3/2021, Whitham Hodling nắm giữ 18,06% cổ phần Gỗ An Cường; Sumitomo nắm giữ 19,61%. Cổ đông lớn nhất tại An Cường là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam, sở hữu 50,04%. Đây là công ty của Chủ tịch Lê Đức Nghĩa.
Giống như đa số công ty trên thị trường, An Cường cũng đã triển khai chương trình ESOP trước kế hoạch giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng. Điều này một phần có thể giúp các công ty tăng số lượng cổ đông trong điều kiện chưa đủ số lượng đáp ứng điều kiện đại chúng.
Năm 2020, An Cường phát hành 1,718 triệu cổ phiếu ESOP tăng vốn điều lệ. Song song với đó, công ty cũng đã mua lại gần 300 nghìn cổ phiếu quỹ, trong đó có 185 nghìn mua lại cổ phiếu đã phát hành với giá 70.000 đồng mỗi đơn vị.