Hẳn trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, cây tầm bóp không xa lạ gì. Bùi Thị Nga cũng có một tuổi thơ lam lũ ở vùng quê Cát Tiên, Lâm Đồng. Nga tâm sự cô cùng đám bạn thường bứt trái tầm bóp ở những cánh đồng lúa gần nhà và đã nung nấu ý định biến loại trái này thành thương mại từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, trải qua bốn năm học đại học Nông lâm TP.HCM, đi làm thêm một vài công ty liên quan đến nông nghiệp, có chút kiến thức, Nga mới bắt tay vào nghiên cứu kỹ hơn về cây tầm bóp.
Cây tầm bóp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín.
Nga lao vào tìm kiếm các thông tin và được biết thế giới cũng đang ứng dụng rộng rãi những lợi ích từ cây này, nên càng vững tin hơn để thử nghiệm.
“Ở nước ngoài, ngành công nghiệp thực phẩm đã sử dụng quả tầm bóp trong các sản phẩm khác nhau, như ngoài làm trái cây tráng miệng nó còn được chế biến ra thức uống, sữa chua, sấy và mứt một cách phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có một sản phẩm tốt như thế này để phục vụ người dân”, Nga tâm sự.
Sau hơn một năm tìm tòi, thử nghiệm qua các loại giống trong nước và ngoài nước, nhóm đã chọn được một nguồn giống tốt từ Viện Nghiên cứu nông nghiệp miền Nam nước Pháp, loại Physalis Peruviana để tiếp tục trồng khảo nghiệm tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Các đợt cây giống mà Nga nghiên cứu đã phát triển khá thuận lợi ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, khó khăn là giống Việt Nam có vòng sinh trưởng hoàn toàn khác cây Nam Mỹ và năng suất cũng thấp, nên cô phải rất cố gắng điều chỉnh để có được độ tương thích tối ưu.
Đến tháng 10.2017, Nga và cộng sự đã có được những trái thành phẩm thử nghiệm đầu tiên của cả giống Việt Nam và giống Nam Mỹ. Và định hướng sẽ đưa trái tươi ra thị trường vào giữa năm 2018.
“Hiện tại vẫn trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, lựa chọn giống và liên kết với các đơn vị khác để nghiên cứu về các ứng dụng từ chiết xuất thành dược phẩm”, Nga nói thêm về tương lai dự án.