Hiện nay, chỉ riêng xứ dừa Bến Tre đã sản xuất ra hơn 25 triệu trái dừa, lượng gáo dừa thải ra đến 9.000 tấn/tháng. Để giải quyết, người dân chọn giải pháp đốt than gáo dừa. Tuy nhiên, việc xử lý khói thải không đúng các yêu cầu, đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng đến nguồn không khí, cây trồng cũng như sức khoẻ người dân địa phương. Thế nhưng, đối vớiLê Thị Hiền, một kỹ sư ngành thực phẩm, loại phụ phẩm này lại là nguồn tài nguyên quý giá.
Dự án Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân, tỉnh Bắc Kạn, do Nguyễn Văn Tuấn sáng chế đoạt một trong hai giải nhì.
Để tạo ra một sản phẩm than khắc phục nhược điểm khói, tia lửa, mùi và khí thì nhóm đã nghiên cứu ra sản phẩm than với bốn không là không khói, không mùi, không nổ, và đặc biệt là không sử dụng keo dùng trong quá trình kết dính.
Theo đánh giá của chuyên gia Trần Anh Tuấn, giám đốc công ty tư vấn chiến lược và thương hiệu The Pathfinder: Than không khói xứng đáng là dự án đoạt giải mùa thi này, bởi vì dự án có ứng dụng tốt những công nghệ mới vào việc sáng tạo một sản phẩm rất thông thường, tận dụng được nguồn nguyên liệu phụ phẩm của ngành dừa, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Sản phẩm này còn đi xa hơn vì các bạn còn nghĩ ra những sản phẩm kết hợp như bếp nướng thịt không khói tại nhà. Hy vọng dự án này sẽ được nhiều nhà đầu tư tiếp sức để phát triển mạnh hơn.
Không chỉ dự án than không khói, các dự án đoạt giải nhì như Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân của Nguyễn Văn Tuấn, Bắc Kạn; hay dự án Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh của Trần Phúc Hậu, Bến Tre, cũng đều có tính sáng tạo, ứng dụng được công nghệ trong quá trình sản xuất.
Do điều kiện khó khăn, Nguyễn Văn Tuấn, huyện Na Rì, Bắc Kạn chỉ hết lớp 7, và chọn nghề sửa xe máy mưu sinh. Không bằng cấp, không trình độ nhưng với tính tò mó, sáng tạo, chàng trai này đã gây sửng sốt với các chuyên gia ngành nông nghiệp khi sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp với tám chức năng kết hợp. Tuấn tận dụng các máy móc, trục, bánh răng hay các chi tiết nhỏ từ xe máy hỏng để làm nên chiếc máy xới đất, cào cỏ. Từ thành công đó, Tuấn tiếp tục nghiên cứu, phác hoạ những chi tiết máy khó hơn bằng bản vẽ, tính toán các thông số kỹ thuật rồi mang sang tỉnh Thái Nguyên để gia công. Nhờ đó, chiếc máy ngày càng hoàn thiện và tích hợp được tám chức năng cùng lúc như đánh rãnh, tra hạt giống, bón phân, phun thuốc, tưới…, giúp người nông dân tiết kiệm được sức lao động, chi phí sản xuất. Năm 2016, thanh niên này bán được 300 chiếc và đơn hàng đang ngày càng dài ra.
Với Trần Phúc Hậu, Bến Tre thì chàng trai này đã biết ứng dụng công nghệ, chế tạo ra chế phẩm vi sinh từ bột bã mía, phục vụ cho việc nuôi tôm thâm canh của người dân địa phương. Chế phẩm vi sinh bột bã mía có ưu điểm như tận dụng phụ phẩm của ngành mía đường, kết hợp với các dòng vi sinh vật có lợi, giúp phân huỷ tốt chất thải hữu cơ trong đáy ao, hạn chế các khí độc như NH3, NO2, lấn át hiệu quả các vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi. Thành phần của bột bã mía có khả năng kích thích tảo có lợi trong ao nuôi, không gây hại cho môi trường. Với việc sản xuất chế phẩm vi sinh này, nhóm của Hậu mong muốn người nuôi tôm thay đổi tập quán canh tác lạm dụng hoá chất, kháng sinh trong việc nuôi tôm thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3 do trung tâm BSA cùng các đối tác chiến lược tổ chức, đã kết thúc vào tối 28.10.2017 tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Kết quả, dự án Than không khói ở TP.HCM đoạt giải nhất với phần thưởng 50 triệu đồng. Hai giải nhì, trị giá 20 triệu đồng/giải thuộc về các dự án Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân, tỉnh Bắc Kạn và dự án Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh của Bến Tre. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao hai giải ba, trị giá 15 triệu đồng/giải cho hai dự án Vườn sinh thái Ngọc Trà, tỉnh Thái Nguyên, dự án Hồ tiêu Ngũ sắc, tỉnh Gia Lai; và năm giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng/giải. Uỷ ban Dân tộc và tổ chức Lao động quốc tế trao tặng bảy dự án mang tính cộng đồng cao khoá học bổng về “Tăng cường năng lực kinh doanh IYB, diễn ra trong một tuần tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Trong khi đó, 12 dự án gồm nhất, nhì, ba, khuyến khích và hai dự án Xây dựng nhà truyền thống người Chăm ở An Giang và H’Mong Hom ở Sơn La, nhận được học bổng là chuyến tập huấn, tham quan mô hình “Một làng một sản phẩm (OTOP)” tại Thái Lan. Cá nhân ông Nguyễn Lâm Viên – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty CP Vinamit, thành viên ban giám khảo, đã tặng tổng số tiền 100 triệu đồng cho sáu dự án có ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất. Trong đó, bốn dự án nhận số tiền 20 triệu đồng, hai dự án nhận 10 triệu đồng/dự án. |