Vay tiền qua ứng dụng (App), người vay không những phải chịu lãi suất “cắt cổ” mà còn bị gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần khi chưa trả được nợ.
Hiện nay, trên mạng xã hội nở rộ nhiều trang web cho vay tiền qua App với những lời chào mời hấp dẫn như: thủ tục vay nhanh chóng, mức vay từ 2-10 triệu đồng, không cần thế chấp hay ký hợp đồng, không giữ giấy tờ, không gặp mặt hay gọi người thân...
Chỉ cần đánh từ khóa “vay tiền qua App” trên google hay facebook, hàng trăm trang cho vay qua ứng dụng này đã hiện lên với các tên như: Vay tiền qua app, App vay tiền online mới uy tín, Hỗ trợ vay tiền qua app, Vay tiền qua app – chỉ cần CMND…
Điều đáng nói, các ứng dụng này đều công khai mức lãi suất rất vừa phải, không vượt quá 20%/năm - mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, mức lãi suất đó chỉ là “tượng trưng”, nếu người vay không trả đúng hẹn thì sẽ phải chịu các khoản phí và lãi phạt rất cao.
Phổ biến nhất là quy định cộng dồn lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ ban đầu, người vay sẽ phải chịu lãi suất nhiều hơn số tiền vay ban đầu và bị trừ trước vào khoản vay. Ví dụ, nếu vay 1 triệu thì người vay chỉ nhận được 700.000 - 800.000 đồng, còn khoản gốc thì vẫn phải trả đầy đủ...
Nhiều người phải chịu lãi suất "cắt cổ" khi vay tiền qua App. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều người khi lâm vào hoàn cảnh túng bấn, gặp được một App nhiệt tình chào mời vay tiền thì “như vớ được vàng”, đã lập tức vay “nóng” mà không nghĩ đến khoản tiền lãi "cắt cổ" và cũng không tính toán được khả năng chi trả món nợ của mình hay những hệ lụy mà nó để lại.
Chị Trần Ngọc Minh, ở Cầu Giấy (Hà Nội) là một nạn nhân của việc vay tiền qua App. Hồi đầu tháng 5, do có việc đột xuất và cần một khoản tiền 5 triệu để giải quyết công việc. Chị đã “liều” kick vào một trang cho vay tiền qua app, với thủ tục nhanh gọn, chị đã vay được số tiền này trong thời gian 1 tháng. Tuy nhiên, đến hạn, chưa thể trả, chị đã bị tính lãi phạt tới 30% của số tiền vay thực.
Những ngày sau đó, chị liên tục nhận được các cuộc gọi “khủng bố” đòi tiền. Không chỉ vậy, người nhà, người thân, bạn bè của chị không vay cũng bị đòi nợ theo. Sau nhiều ngày như thế, chị Minh đã rơi vào tình trạng hoảng loạn và run sợ mỗi khi nghe tiếng chuông điện reo…
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw, sở dĩ có tình trạng “một người vay, nhiều người bị ảnh hưởng” là các ứng dụng vay tiền yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Trong đó có điều khoản, buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Nếu người vay đáp ứng đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là lãi suất của các App cho vay này rất cao, có thể lên đến 900%/năm.
Ví dụ, khách hàng vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế chỉ nhận được số tiền 1.428.000 đồng, còn 272.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu khách vay tiền trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
“Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn. Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty. Thậm chí có app còn cho chạy quảng cáo trên facebook hoặc dán ảnh con nợ lên khắp nơi, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người này”, ông Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở nên các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng lách luật. Chẳng hạn, quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm nhưng các đối tượng này lách bằng cách hợp đồng ghi lãi suất 20%/năm nhưng phí hơn 100%.
Cùng với đó, nhiều App cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending, lợi dụng điều này, nhiều App cho vay đã có nhiều chiêu trò để cho vay với lãi suất cắt cổ.
Nói về mức phạt với các đối tượng cho vay lãi suất cao qua App, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, các đối tượng thực hiện có tổ chức với hành vi tinh vi để lừa những người đang gặp khó khăn về tài chính thì có thể bị truy tố hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Tùy theo mức độ, các đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tù từ 2 - 7 năm, 7 - 15 năm, phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Các đối tượng khi thúc nợ, đòi nợ sẽ dùng các biện pháp như đe dọa, xúc phạm, khủng bố người vay, thì cũng có thể bị truy tố về các tội danh khác như: cưỡng đoạt tài sản, đe dọa giết người… Do vậy, cần phải xem xét tất cả các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng trên để áp dụng chế tài phù hợp.
“Ngoài sự can thiệp của các cơ quan chức năng, người dân cũng phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ khi sử dụng hệ thống tín dụng qua mạng, vay tiền qua các App online. Phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, các App cho vay phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như: công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… để tránh rủi ro”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.
(Theo VOV)