30 tuổi, thông thạo 6 thứ tiếng, tóc dài ngang lưng và nụ cười tươi, Denise Sandquist tự mô tả về mình là "một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và lúc nào cũng nhiều năng lượng".
5 năm trước, cô gái Thụy Điển này lần thứ ba đến Việt Nam tìm mẹ ruột. Nhờ sự chia sẻ và động viên của mọi người trên mạng xã hội, Denise (tên Việt Nam là Trần Thanh Hương) đã gặp được mẹ vào đúng ngày Giáng sinh năm 2016.
Luôn mong muốn được trả ơn những người đã giúp đỡ mình và đóng góp điều gì đó cho quê nhà, Denise quyết định về Việt Nam khởi nghiệp. Cô hiện là đồng sáng lập và CEO Fika – một startup phát triển ứng dụng hẹn hò tập trung vào phụ nữ, được hỗ trợ bởi công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Tháng 10 năm nay, startup có trụ sở tại TP HCM này công bố nhận đầu tư 1,6 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống (Seed).
Denise Sandquist sinh năm 1991 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Không lâu sau đó, vì hoàn cảnh, mẹ ruột đã trao cô cho một cặp vợ chồng Thụy Điển nhận nuôi.
Denise trải qua tuổi thơ với sự yêu thương của cha mẹ (mẹ nuôi của cô mất vì ung thư năm Denise 9 tuổi) và một cô em gái nuôi kém 2 tuổi cũng là người gốc Việt. Ở trường, cô học mọi thứ rất nhanh và có năng khiếu với nhiều môn thể thao. Dù có cuộc sống đầy đủ nhưng Denise đã sớm nhận ra sự khác biệt của mình với các cô bé châu Âu đồng trang lứa.
"Ngay từ nhỏ, tôi đã nhận thức được mình là người Việt Nam và tôi thấy rất tự hào về điều đó", CEO 9X chia sẻ.
Mẹ ruột của Denise sinh ra cô năm 22 tuổi. Năm 2013 – cũng ở tuổi 22, cô gái Thụy Điển quyết định gói ghém đồ đạc cùng với một vài thông tin ít ỏi và trở về Việt Nam lần đầu tiên. Năm 2015, Denise lần thứ hai về nước, sống và làm việc tại Hải Phòng nhiều tháng liền trong thời gian đi tìm mẹ. Dù rất nỗ lực nhưng cả 2 lần đó cô đều không thu được kết quả gì.
Tuy nhiên, khát khao tìm được mẹ ruột mãnh liệt đến mức Denise không bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Năm 2016, cô một lần nữa quay trở lại Việt Nam và trở thành thực tập sinh cho một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại TP HCM. Trong một lần tâm sự với những người đồng nghiệp, mọi người khuyên Denise nên chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội.
Với sự giúp đỡ của những người bạn, đầu tháng 12/2016, Facebook mang tên "Giúp em gái Thụy Điển tìm lại bố mẹ Việt Nam" của Denise ra đời. Chỉ vài ngày sau, hàng nghìn người dùng mạng xã hội và nhiều tờ báo trong nước đã chia sẻ về hành trình 1.000 ngày tìm mẹ của cô gái gốc Việt.
18 ngày kể từ khi bài viết tìm mẹ đầu tiên được đăng tải trên Facebook, Denise nhận được một cuộc điện thoại, người phụ nữ ở đầu dây bên kia nói với cô rằng: "Mẹ đây". Linh tính mách bảo đây chính là mẹ ruột khiến cô gái trẻ òa khóc. Cuối cùng sau nhiều năm tháng mong chờ, cô cũng tìm được người đã sinh ra mình.
"Món quà Giáng sinh năm nay mà Denise mong muốn chính là có thể gặp được mẹ ruột của mình. Đây hẳn sẽ là món quà tuyệt vời nhất từ trước tới giờ mà Denise có!", cô đã viết như vậy trên trang cá nhân vào ngày 20/12/2016.
Và điều kỳ diệu xảy ra khi lần đầu tiên Denise gặp mẹ ruột cũng chính vào ngày Giáng sinh, đúng như điều mà cô từng mong ước.
Denise Sandquist tốt nghiệp Đại học Kinh tế Stockholm (Thụy Điển). Cô từng làm việc cho Đại sứ quán Thụy Điển tại Moscow (Nga) và thực tập tại ngân hàng Goldman Sachs tại London (Anh). Denise cũng nhận mình là một "công dân toàn cầu" khi có thời gian sống tại rất nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan... Và sau cuộc đoàn tụ với mẹ ruột, cô gái 9X luôn mong muốn có cơ hội làm điều gì đó "ở Việt Nam và cho Việt Nam".
Khi nói chuyện với bạn bè, Denise nhận ra những cô gái Việt qua tuổi 25 thường chịu nhiều áp lực từ gia đình cũng như xã hội về chuyện có bạn trai và lập gia đình. Nhiều người trong số họ không dám sử dụng các ứng dụng hẹn hò vì lo ngại rủi ro.
"Lúc đó tôi nghĩ tại sao mình không tạo ra một ứng dụng hẹn hò an toàn và tạo ra các kết nối ý nghĩa cho người Việt, đặc biệt là phụ nữ thay vì những ‘mối quan hệ chóng vánh’ thường thấy ở một số ứng dụng hẹn hò khác", Denise nhớ lại.
Cô đem ý tưởng đó chia sẻ với người bạn Oscar Xing Luo của mình. Chàng trai Thụy Điển gốc Á này đã quyết định nghỉ việc tại một công ty công nghệ AI của Trung Quốc để sang Việt Nam cùng Denise khởi nghiệp. Fika chính thức được thành lập vào tháng 6 năm 2020, Denise đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành (CEO) còn Oscar giữ vai trò giám đốc công nghệ (CTO).
Fika trong tiếng Thụy Điển có thể hiểu là "uống cà phê". Nhưng nó không đơn thuần chỉ là việc cầm một tách cà phê lên và uống. Fika giống như một phần cuộc sống hàng ngày và văn hóa cà phê của người dân nơi đây. Và Denise đã chọn cái tên thân quen đó đặt cho startup của mình để ghi nhớ về nơi đã nuôi dưỡng cô trưởng thành.
Thời gian đầu khởi nghiệp, Fika vận hành nhờ vốn của hai nhà đồng sáng lập. Bên cạnh đó, Denise vẫn giữ chức giám đốc kinh doanh tại Việt Nam cho một công ty Thụy Điển. Hơn nửa năm trước, CEO 30 tuổi mới chính thức nghỉ việc để tập trung toàn bộ thời gian cho startup của mình.
Tháng 5 năm nay, Denise về Thụy Điển thăm gia đình. Ý định ban đầu của cô là ở lại đây vài tuần nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nữ CEO không thể quay về TP HCM và kẹt lại châu Âu gần 6 tháng. Vì múi giờ ở 2 nước khác nhau nên hàng ngày Denise đều thức dậy trước 4h sáng để làm việc cùng các nhân sự tại Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn này, CEO Fika đã kết nối được với các nhà đầu tư nước ngoài và huy động thành công 1,6 triệu USD cho vòng gọi vốn hạt giống. Denise cho biết cô rất bất ngờ khi nhiều nhà đầu tư chưa từng đến Việt Nam nhưng lại tin tưởng rót vốn cho startup của cô.
"Thực tế chúng tôi có thể huy động được nhiều vốn hơn nhưng tôi nghĩ 1,6 triệu USD là phù hợp trong giai đoạn này", CEO Fika tiết lộ.
Với nguồn vốn mới, những nhà sáng lập dự kiến đầu tư mở rộng đội ngũ phát triển, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng công nghệ AI và tăng mức độ nhận diện thương hiệu tại Việt Nam.
Tại thời điểm công bố gọi vốn thành công vào tháng 10, ứng dụng này đã có hơn 750.000 lượt tải về và đang hướng đến mốc 1 triệu lượt tải vào cuối năm 2021.
Thị trường hẹn hò trực tuyến liên tục phát triển trong những năm qua với cả nghìn trang web và ứng dụng ra đời. Theo số liệu của Statista, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến toàn cầu đã thu về hơn 3 tỷ USD trong năm 2020, dự kiến năm 2021 sẽ đạt doanh thu 3,3 tỷ USD và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 5,71 tỷ USD.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước trên thế giới phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, số người dùng các ứng dụng hẹn hò/kết bạn trực tuyến có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn như lộ thông tin cá nhân, lừa đảo, quấy rối... khiến không ít người thiếu tin tưởng vào các ứng dụng hẹn hò.
Đứng trước một thị trường nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, những nhà sáng lập Fika tin tưởng rằng ứng dụng của mình sẽ tạo được sự khác biệt.
"Sự cạnh tranh có mặt ở khắp nơi. Nhưng với Fika, Denise và các cộng sự luôn hướng tới mục tiêu trở thành ứng dụng hẹn hò và kết nối AI hàng đầu thế giới, giúp người dùng tìm kiếm tình bạn, mối quan hệ nghiêm túc lâu dài", nữ CEO nói.
Để tạo ra một hệ thống AI mạnh mẽ và có khả năng vượt trội hơn, Fika ghi nhớ các hành động trước đó của người dùng, nhằm kết nối họ với những người phù hợp nhất. Cùng với đồng sáng lập Oscar Xing Luo, một người có kiến thức nền tảng về AI và Machine Learning (Máy học), họ đang thu thập thêm nhiều dữ liệu hơn để cải thiện các thuật toán.
Denise cũng cho biết, 100% profile trên ứng dụng của Fika đều là profile người thật. Tất cả người dùng đều phải xác minh danh tính trước khi sử dụng và đội ngũ kiểm duyệt luôn hoạt động tích cực để đảm bảo rằng sẽ không có một profile giả mạo nào tồn tại.
Không giống như một số ứng dụng hẹn hò khác, khi người dùng thành công trong việc tìm kiếm những người bạn của mình thông qua Fika, họ có thể chuyển sang chế độ cặp đôi và tiếp tục sử dụng ứng dụng - đặt ngày hẹn hò và theo dõi sự phát triển mối quan hệ. Ứng dụng này cũng cung cấp tính năng "Gợi ý địa điểm hẹn hò" và có thêm các tính năng giúp người dùng phát triển bản thân.
Con đường của Fika mới chỉ bắt đầu nhưng Denise tự tin rằng startup của cô có thể đi rất xa. Nữ CEO cho biết Fika đang lên kế hoạch cho vòng gọi vốn Series A để mở rộng ra thị trường Đông Nam Á trong năm tới.
"Từ Việt Nam, chúng tôi muốn mở rộng ra Đông Nam Á trước khi đưa Fika thành một ứng dụng toàn cầu. Và tôi tin mình sẽ làm được", cô gái gốc Việt nhấn mạnh.