Nghị lực của cô gái bé nhỏ truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các ứng viên
Khoảng bốn năm trước, khi gia đình bị rơi vào một khoản nợ lớn, Ý Nhi bị trầm cảm trong suốt 3 năm học Đại học từ 2015-2018. Cô bị bạn bè xa lánh nên luôn thu mình trước đám đông. Đỉnh điểm là vào năm 2017, Nhi đã tự cắt vào động mạch tay với vết cắt khá sâu và phải vào bệnh viện chữa trị. Sau đó bác sĩ khuyên Nhi phải tiếp xúc nhiều với đám đông nhưng Nhi chỉ có thể làm bạn với vlog, dùng laptop tự nói với bản thân hàng ngày.
Thế nhưng sau khi đến với chương trình Cơ hội cho ai, Ý Nhi đã nói với bản thân phải "sống" thay vì "tồn tại" hay "tìm sự giải thoát bằng cách tiêu cực". Cô gái vừa tốt nghiệp Đại học này đã truyền cảm hứng cho giới trẻ qua phần thi của mình ở tập 5 có lượt xem gần 2 triệu, cao nhất chương trình.
Chia sẻ về quyết định tham gia Cơ hội cho ai, Ý Nhi cho biết cô tìm lại chính mình khi tham gia một show truyền hình thực tế, thử thách bản thân khi phải deal lương trực tiếp trên sân khấu và học được nhiều điều từ các vị Sếp giàu kinh nghiệm trên thương trường lẫn cuộc sống.
"Nhờ cuộc thi, em thấy tự tin hơn, bạn bè nhìn em khác hơn. Và cái quan trọng nhất là em đã chiến thắng chính mình", Nhi nói. Sau khi tham gia chương trình, Ý Nhi thấy mình đã vượt ra khỏi vùng an toàn để thấy được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Sự động viên, khích lệ của các Sếp trong chương trình đã giúp cô mạnh mẽ hơn và chiến thắng trầm cảm.
Điều quan trọng nhất là cô đã được bà chủ Elise (Lưu Nga) ưu ái, đem lại động lực rất lớn để rời TP. HCM ra Hà Nội sinh sống và làm việc. Được biết, Ý Nhi chính thức đi làm tại Elise từ 15/10/2019, và sẵn sàng học lại từ đầu về mọi thứ trong lĩnh vực thời trang để sớm thích nghi với môi trường công sở.
Cô cũng cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên tại công ty thời trang danh tiếng ở Hà Nội, Phan Thị Ý Nhi nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương và hỗ trợ tận tình từ các anh chị đồng nghiệp. Việc quyết định rời TP HCM - quê hương cô, ra Hà Nội làm việc với mức lương thấp hơn con số được offer không phải là lần đầu tiên mà cô gái 21 tuổi quyết định bước qua vùng an toàn để được sống và theo đuổi đam mê đích thực.
Nên hay không khi công khai thu nhập của người lao động?
Thu nhập của người lao động tại một số doanh nghiệp được cho là "bí mật", nay được công khai trên sóng truyền hình. Đây là một trong những những vấn đề băn khoăn của nhiều người. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì đây là điều nên làm.
Bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn Nhân sự tập đoàn Manpower Group VN: "Quan điểm bí mật mức lương giữa Nhà tuyển dụng và người lao động sẽ tuỳ thuộc vào chính sách mỗi công ty. Tuy nhiên, ngày càng nhiều hơn các công ty công khai lương và thu nhập. Theo format của chương trình, việc mức lương được đàm phán và kí kết công khai thể hiện sự minh bạch của nhà tuyển dụng, yếu tố được các ứng viên đề cao".
Sếp Phùng Tuấn Hà - Chủ tịch HĐQT Tổng Công Ty CP Dịch Vụ Tổng Hợp Dầu Khí PETROSETCO: "Khi tham gia chương trình thì chúng tôi phần nào đã đánh giá được năng lực của ứng viên để đưa ra mức lương và đãi ngộ phù hợp, cũng như hình dung cho các bạn về công việc tại doanh nghiệp. Tôi cho rằng mọi thứ công khai, minh bạch thì sẽ dễ làm việc cho cả 2 bên sau này".
Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập, TGĐ Thời trang Elise nhận định: "Những doanh nghiệp trả lương công khai minh bạch như vậy sẽ tốt cho thị trường lao động, đồng thời cũng tạo cơ hội phát triển tốt cho người lao động tìm được công việc phù hợp với mức lương tương xứng".
Đa số các ứng viên tham gia Cơ hội cho ai cũng đồng ý với quan điểm nên công khai mức lương. "Điều này giúp cho người lao động có cái nhìn toàn diện về mức lương mà thị trường lao động VN đang chi trả với mỗi ngành nghề và năng lực cá nhân. Từ đó mà mỗi cá nhân có được ước tính thực tế về mức lương xứng đáng với họ", Nguyễn Thị Thủy Tiên - nữ giám đốc thế hệ Milennial được cả 6 Sếp mời về làm việc chia sẻ.
Ứng viên chốt deal với sếp Nga vị trí trợ lý Giám Đốc mua hàng Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng: "Việc công khai mức lương trên truyền hình sẽ truyền cảm hứng và niềm tin cho những bạn khác. Bạn cũng sẽ làm được như thế và thậm trí còn hơn thế. Và khi bạn cố gắng hết mình, dám đương đầu với thử thách trong công việc, bạn sẽ còn nhận được nhiều hơn nữa".
Đừng chỉ nhìn vào mức lương khi đi xin việc
Liên quan đến vấn đề thu nhập và chế độ đãi ngộ, lãnh đạo ở các doanh nghiệp có nhiều trăn trở về suy nghĩ, thái độ của người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ khi ứng tuyển vào doanh nghiệp.
Sau khi quyết định không chọn ứng viên Bá Thiềm, Sếp Trần Tuấn Anh- Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam đưa ra lời khuyên thẳng thắn: "Với những bạn trẻ dưới 30 tuổi, việc đầu tiên phải đầu tư là học hỏi chứ không phải là lương. Khi tôi về Việt Nam, tôi nhận lương chỉ bằng 30% ở nước ngoài, lý do là vì có những điều mới muốn học. Nếu bạn học được kĩ năng mà thị trường đang cần thì trong tương lai, thu nhập của bạn sẽ cao hơn rất nhiều".
Câu chuyện của một số ứng viên trong chương trình đã trở thành bài học cho người lao động khi không xác định mục tiêu công việc rõ ràng và kỳ vọng mức lương cao hơn khả năng hiện có của bản thân. Ứng viên Phùng Thị Hồng Ngọc (tập 4) là một tình huống thực tế cho các bạn sinh viên mới tốt nghiệp về việc deal lương với nhà tuyển dụng.
Sếp Nga đã trao cơ hội cho Hồng Ngọc và gửi đến các bạn trẻ một thông điệp "Khi mới ra trường chưa đủ kinh nghiệm và tự tin, điều kiện hãy cứ quyết tâm dù ở vị trí nào cũng cần thể hiện hết năng lực của mình để tìm kiếm một cơ hội tốt nhất. Ngày hôm nay có thể em chưa thể hiện tốt nhưng em vẫn có quyền có cơ hội. Tôi vẫn trao cơ hội cho em và rất mong muốn anh Hưng cũng trao cơ hội cho em". Tuy nhiên, mức lương kỳ vọng mà Hồng Ngọc đưa ra là 9 triệu đồng, trong khi đó, mức lương cao nhất mà ‘Sếp’ Nga đưa ra chỉ là 7 triệu. Sự không trùng khớp này khiến Hồng Ngọc phải ra về tay trắng.
Trong khi đó, một ứng viên chốt lương cao lại cho thấy sự cố gắng đã được đền đáp. Được cả 6 sếp chọn vào vòng "Chinh Phục" và chốt thương lượng với sếp Hùng với mức lương 20,5 triệu, vị trí Trợ lý quản lý dự án, chàng trai dân tộc Thái Phạm Bá Thiềm truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ thuộc mọi dân tộc: "Hãy cứ cố gắng rồi các bạn sẽ đạt được những gì mình muốn".
Trong mùa 1 Cơ hội cho ai, có nhiều ứng viên đến từ những vùng miền xa xôi của đất nước. Họ đến với tâm thế sẵn sàng học hỏi và trải nghiệm, thử thách bản thân, kết quả các vòng thi không quan trọng, giá trị bằng những bài học mà họ nhận được khi được tiếp cận trực tiếp 6 Sếp và gặp gỡ các ứng viên.
Bên cạnh ý kiến của những ứng viên tham gia, khán giả xem chương trình qua VTV3 và kênh youtube cũng nhận được nhiều bài học bổ ích. Khán giả Tống Văn Tuân góp ý: "Chúng ta cần những chương trình thực tế, gần gũi hơn với người lao động tương tự như Cơ hội cho ai. Tuy nhiên, tôi mong chương trình mời nhiều Sếp lớn ở mọi lĩnh vực để người lao động cả nước được học hỏi nhiều hơn, chia sẻ kiến thức có ích cho người lao động".