Vừa qua, ngày 15/10, Sàn giao dịch nợ VAMC đã chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là dấu mốc quan trọng của hành trình mua bán nợ chuyên nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, hoạt động của sàn nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (TSBĐ của khoản nợ xấu) trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do khách hàng cung cấp.
Ngoài ra, sàn giao dịch nợ còn là nơi thực hiện dịch vụ tư vấn đối với khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu về: hồ sơ pháp lý; điều kiện, phương thức mua bán, xử lý; phân tích, đánh giá, tư vấn về pháp lý, rủi ro của khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu; hoàn thiện hợp đồng mua, bán và hồ sơ tài liệu liên quan...
Đồng thời, sàn giao dịch nợ thực hiện dịch vụ môi giới mua, bán khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu: đàm phán để các bên thống nhất việc mua, bán; thu xếp và tổ chức cho các bên ký hợp đồng và hỗ trợ các bên hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật...
Hiện trên website sàn giao dịch nợ đã đăng tải nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo từ bất động sản, ô tô,…cần chào bán. Chẳng hạn, trên sàn đang rao bán 24 sàn căn hộ và toàn quyền khai thác tầng hầm và khối đế thuộc một Dự án tại thành phố Hạ Long có dư nợ gần 740 tỷ đồng. Hay một dự án xây dựng khu văn phòng làm việc cho thuê và nhà ở thấp tầng, Tp.Hà Nội có dư nợ gốc 134 tỷ đồng khác cũng được rao bán.
Tuy nhiên, để xem chi tiết về thông tin khoản nợ, định giá,... trên sàn giao dịch nợ thì chỉ thành viên mới được xem. Hiện cả cá nhân và tổ chức đều có thể đăng ký làm thành viên trên Website Sàn giao dịch nợ.
Riêng VAMC, hiện công ty này đang quản lý tới hàng nghìn tài sản chưa bán, trong đó có nhiều tài sản giá trị lớn. Chẳng hạn, VAMC đang quản lý quyền khai thác/kinh doanh Khách sạn Saigon Price Hotel, tại phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Hay nhiều tài sản liên quan bất động sản khủng như dự án tòa nhà chung cư cao cấp Vinafor, Quyền đòi nợ từ hợp đồng hợp tác đầu tư "Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp A2&A3" thuộc khu đô thị mới Him Lam, TP.HCM,…
Theo biểu phí dịch vụ, phí thành viên với khách hàng cá nhân là 2 triệu đồng và khách hàng tổ chức là 20 triệu đồng. Tuy nhiên hiện VAMC đang miễn phí trong năm đầu hoạt động.
Sàn giao dịch cũng quy định cụ thể các lọai phí dịch vụ tư vấn. Trong đó, dịch vụ tư vấn về điều kiện mua, bán nợ, bao gồm không giới hạn về: hồ sơ pháp lý của khách hàng vay, tài sản bảo đảm, hồ sơ vay vốn,…có phí theo thỏa thuận, tối thiểu là 5 triệu đồng, tối đa 2% giá trị giao dịch.
Đối với phí dịch vụ môi giới mua/bán khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu là 0,2% giá trị giao dịch, tối thiểu 50 triệu đồng.
Tại buổi lễ công bố hoạt động Sàn giao dịch nợ hôm 15/10, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, mô hình Sàn giao dịch nợ là một công cụ tuy mới mẻ nhưng rất hữu ích trong nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam nói riêng nhất là trong giai đoạn cả thế giới bị ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ và kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.