Một tối mùa đông tháng 8, Nancy Carter, một công chức liên bang đã nghỉ hưu, tìm kiếm sự trợ giúp từ Google. Tuy nhiên sau đó bà phải ước rằng mình đã không làm như vậy.
Cánh cửa garage của nhà bà Carter bị hỏng. Người phụ nữ 67 tuổi đã search Google và tìm thấy số điện thoại của 1 dịch vụ sửa chữa ở gần đó mà bà đã từng sử dụng. Ngay lập tức bà gọi thợ đến nhà.
Google có tới hơn 2 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng. Tuy nhiên, ứng dụng Google Maps – vốn được sinh ra để đáp ứng những nhu cầu như của bà Carter, lại tràn ngập hàng triệu địa chỉ sai và những cái tên giả mạo, theo các công ty quảng cáo, chuyên gia về công cụ tìm kiếm và những nhân viên đã và đang làm việc cho Google.
Trong trường hợp của bà Carter, 1 người đàn ông đã đến nhà bà trong 1 chiếc xe tải nhỏ không hề có logo công ty. Ông ta nói với bà rằng mình là người được thuê ngoài. Tuy nhiên sự thực không phải như vậy. Sau khi sửa cánh cửa garage, người này đòi khoản tiền công 728 USD – cao gấp đôi so với các lần trước. Ông ta cũng yêu cầu trả bằng tiền mặt hoặc séc cá nhân. Do đó bà Carter đã từ chối thanh toán.
Người thợ này đã ăn cắp tên doanh nghiệp trên Google Maps và thay thế bằng số điện thoại của mình. Sau này hắn ta còn quay lại nhà bà Carter nhiều lần để đòi tiền.
3 năm sau, có vẻ như Google vẫn chưa thể xóa bỏ những vụ lừa đảo kiểu như vậy. Trong các vụ này kể cả Google cũng được lợi, trong khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính lại là bên bị thiệt hại.
Anas Abuhazim, người đang kinh doanh thu mua ô tô cũ ở ngoại ô Chicago, hiểu rõ điều này hơn ai hết. Hai công ty của anh, Smart Tow Inc. và Cash for Junk Cars LLC, sẽ thu mua ô tô cũ với giá khoảng 300 USD từ những khách hàng gọi cho họ để tìm người đi vứt hộ những chiếc ô tô không còn sử dụng được nữa. Do đó Abuhazim phải phụ thuộc rất nhiều vào Google. Trước đây anh thường mua quảng cáo trên Yellow Pages.
Nhưng năm ngoái 1 công ty marketing tới gặp anh và chào mời dịch vụ quảng cáo trên Google Maps với mức phí vài chục nghìn USD. Anh đồng ý ký vào hợp đồng. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua công ty này bắt anh phải nộp một nửa doanh thu nếu không muốn tên tuổi công ty bị "chôn vùi" dưới hàng trăm đối thủ cạnh tranh. Abuhazim từ chối và đã bị công ty đó chơi xấu. Trong 1 lần lái xe tới bãi ô tô cũ ở ngoại ô Chicago, Abuhazim tìm kiếm trên Google và thấy rằng công ty của mình không còn xuất hiện trên trang đầu kết quả tìm kiếm trong khi hơn một nửa kết quả ở trang đầu là số điện thoại giả. Số cuộc gọi đến giảm một nửa và anh đang bên bờ phá sản.
Nỗ lực tăng doanh thu từ quảng cáo
Năm ngoái Google xử lý hơn 90% lượng tìm kiếm online trên toàn thế giới, và doanh thu quảng cáo từ mảng này lên tới 116 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Google ngày càng thống trị mạnh hơn trong lĩnh vực tìm kiếm các địa chỉ địa phương. Người dùng sử dụng Google để tìm mọi thứ, từ dịch vụ giao đồ ăn đêm cho đến những người thợ sửa chữa giỏi ở gần họ nhất.
Tuy nhiên, dù được hậu thuẫn bởi các thuật toán siêu mạnh và những kỹ sư phần mềm hàng đầu, Google vẫn chưa thể chống lại những trò lừa đảo trên Google Maps. Bản thân Google cũng cho biết đã xóa bỏ hơn 3 triệu địa chỉ giả trong năm 2018. Thử tìm kiếm "thợ sửa ống nước" tại New York City trên Google Maps, có tới 13 địa chỉ giả mạo nằm trong top 20 trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Từng bị Google coi là mảng kinh doanh "buồn ngủ", kém sinh lời và vẫn được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực chỉ đường, thời gian gần đây Goolge Maps đã gia tăng đáng kể quảng cáo. Đó cũng là 1 phần trong nỗ lực gia tăng lợi nhuận cho mảng quảng cáo vốn đang bị cho là đã hết đất để tăng trưởng của Google.
Những địa chỉ giả mạo giúp các công ty có thể đánh lừa khách hàng bằng cách dựng lên nhiều chi nhánh ở khắp thành phố. Hoặc như trường hợp của bà Carter thì người dùng lại được kết nối tới những đối thủ vô lương tâm của công ty chân chính. Theo các chuyên gia trong ngành, mỗi tháng có hàng trăm nghìn địa chỉ giả mạo mọc lên trên Google Maps.
Tờ Wall Street Journal cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị để mở cuộc điều tra phạm vi chống độc quyền nhằm vào Google, mà trong đó vấn đề nổi cộm là vị trí thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến của hãng. Các đối thủ phàn nàn với các nhà làm luật rằng việc Google mở rộng hoạt động trên Google Maps là một ví dụ về độc quyền.
Theo eMarketer, mặc dù Facebook, Amazon và những công ty khác đang giành giật thị phần, hiện Google vẫn chiếm 37% thị phần trên thị trường quảng cáo trực tuyến ở Mỹ.