Theo "Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt nam - Động lực xuất khẩu từ doanh nghiệp trong nước" của công ty chứng khoán SSI, tiếp nối xu hướng phục hồi từ quý 2, xuất khẩu tăng 11,2% trong quý 3 sau khi chỉ tăng 7,1% trong 6T2019, từ đó kéo tăng trưởng 9 tháng lên 8,4%.
Ngược lại tăng trưởng nhập khẩu giảm nhẹ trong quý 3, kéo tăng trưởng 9T2019 về bằng với xuất khẩu ở mức 8.4%. Xuất siêu quý 3 đạt 5,44 tỷ USD, tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm là 1,71 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 9T2019 đạt 194,6 tỷ USD, nhập khẩu là 187,5 tỷ USD, thặng dư thương mại ở mức cao kỷ lục 7,15 tỷ USD.
Xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp trong nước tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Nhóm này đạt mức tăng 16,8% trong 9T2019, tăng mạnh so với mức 12% trong 6T2019. Trong khi đó tăng trưởng của khối FDI vẫn khá yếu ở mức 5.7%. Tỷ trọng xuất khẩu của nhóm trong nước tăng lên 31,5% trong 9T2019 so với mức 29,5% trong năm 2018.
Chiều nhập khẩu cũng thể hiện xu hướng tương tự. Nhóm doanh nghiệp trong nước đạt tăng trưởng 14% so với mức tăng 6,2% của nhóm FDI. Nhóm DN trong nước vẫn nhập siêu 17,4 tỷ USD trong khi nhóm FDI xuất siêu 24,6 tỷ USD.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam đi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh 27,9% trong 9T2019, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì tăng tưởng ở mức 10%. Ngược lại, một số thị trường chính khác tăng rất thấp và thậm chí giảm như EU, Trung Quốc, Hongkong, UAE.
Các sản phẩm điện thoại, máy vi tính, và máy móc thiết bị chiếm 3 vị trí trong Top 4 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhóm này phục hồi là một nguyên nhân quan trọng giúp xuất khẩu tăng trong quý. Đáng chú ý, báo cáo nhận xét, mặc dù các mặt hàng điện tử vốn là lãnh địa và sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nhóm FDI, nhóm doanh nghiệp nội đang thể hiện bước tiến ấn tượng.
Gỗ và sản phẩm ggỗ tiếp tục là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam năm nay, là mặt hàng xếp thứ 6 với giá trị xuất khẩu 7,52 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 17,9% cao nhất trong top 10 mặt hàng xuất khẩu.
Ngoại trừ gỗ, các mặt hàng nông sản nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. 7 mặt hàng tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.
Trong các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Hoa kỳ có mức tăng mạnh nhất 9T2019, tương ứng 17,4% và 18,6%, tiếp theo là Đài Loan và EU.
Xuất khẩu đi Hoa Kỳ tăng mạnh đi kèm với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đi Trung Quốc giảm có thể được cho là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh hưởng này dựa trên các suy luận như:
(i) Hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ sẽ tìm cách thâm nhập sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam; (ii) Hàng Việt Nam tận dụng lợi thế thuế thấp để tăng thâm nhập vào thị trường Mỹ; (iii) Hàng Trung Quốc không xuất được sang Mỹ ở lại thị trường nội địa gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt nam; (iv) Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện máy móc từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, thành phẩm sau đó xuất sang Hoa Kỳ; và (v) Hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam lẩn tránh thuế tiến vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo báo cáo, nguyên nhân thứ 5 thực tế đã được phát hiện trong một số trường hợp nhưng rất khó có thể phân tích dựa trên các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu được công khai.
Một ví dụ là lô nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận thương mại với giá trị lên tới 4.3 tỷ USD, trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng giá trị nhập khẩu kim loại thường khác và sản phẩm từ kim loại thường khác mới đạt 1,95 tỷ USD trong 9T2019, tăng 36% so với cùng kỳ chưa phải mức quá đột biến.