Từ giữa tháng 11 trở lại đây, hàng loạt lãnh đạo và cổ đông lớn của các NHTM đã tích cực mua gom cổ phiếu của đơn vị mình. Trong đó, phải kể đến việc ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu với thời gian giao dịch từ 23/11 đến 23/12. Các cổ đông lớn khác của ngân hàng này như ông Nguyễn Văn Hòa - Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng và bà Nguyễn Thị Bích Đào - vợ ông Từ Tiến Phát - Phó tổng giám đốc ACB cũng lần lượt đăng ký mua thêm mỗi người 300.000 cổ phiếu. Đến tuần vừa qua, một cổ đông khác là bà Huỳnh Bảo Ngọc cũng đăng ký mua thêm hơn 5.500 cổ phiếu ACB.
Cổ phiếu các ngân hàng nhỏ cũng có cơ hội thu hút dòng tiền mạnh trong các quý tới |
Tại VPBank, TPBank, HDBank, Sacombank và nhiều ngân hàng khác cũng đang diễn ra tương tự. Cụ thể chỉ trong vòng tháng 11 các ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank và cổ đông lớn là bà Vũ Thị Quyên đã đăng ký mua 21 triệu cổ phiếu VPB. Hay như việc ông Đỗ Minh Quân - con trai Phó chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú - mua 25 triệu cổ phiếu TPB; ông Nguyễn Hữu Đặng - Tổng giám đốc HDBank mua 500.000 cổ phiếu HDB; ông Nguyễn Văn Huynh - thành viên HĐQT Sacombank mua thêm 2 triệu cổ phiếu STB…
Giới chuyên môn nhìn nhận những cá nhân nằm trong ban điều hành và những cổ đông lớn của NHTM mạnh tay mua gom cổ phiếu chính ngân hàng mình đã tạo ra hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán. Trong suốt các phiên giao dịch từ trung tuần đến hạ tuần tháng 11/2018 các mã cổ phiếu VPB của VPBank và HDB của HDBank đều tăng giá kịch trần sau một thời gian dài không có lửa. Cổ phiếu VPB đã chạm mức 20.300 đồng (phiên giao dịch ngày 16/11), cùng thời điểm HDB đạt 29.950 đồng. Giá cổ phiếu VPB gần đây đã có phiên tăng lên mức 22.050 đồng, trong khi HDB chạm ngưỡng 32.000 đồng. Các cổ phiếu khác như STB của Sacombank, TCB của Techcombank, ACB của ACB… cũng lần lượt tăng giá từ 5,3% – 8,3% so với các phiên trước đó.
Vào đầu tháng 12/2018, hầu hết các công ty chứng khoán nhận định việc tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tạo ra lực kéo đáng kể cho chỉ số VN-Index giữ được mức tăng trưởng. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay các NHTM đã niêm yết trên sàn HoSE đóng góp khoảng gần 143.500 tỷ đồng vốn hóa trên thị trường.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, việc ban lãnh đạo và cổ đông lớn của các NHTM mua vào cổ phiếu đang giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn. Việc tăng tỷ lệ sở hữu thể hiện sự đồng hành của đội ngũ ban điều hành trên chặng đường phát triển của các ngân hàng. Điều này cộng với những biểu hiện tích cực từ kết quả kinh doanh dự kiến năm 2018 sẽ khiến cho giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ duy trì tăng trưởng trong quý đầu năm 2019 và lan tỏa sang nhóm các NHTM khác.
Hiện hữu cơ hội giảm sở hữu chéo
Với đà tăng trưởng tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín - Giám đốc trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, trong quý IV/2018 và đầu năm 2019 không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức vốn hóa lớn và trung bình mà cả cổ phiếu của các ngân hàng có mức vốn hóa nhỏ như NVB, ACB, SHB, KLB… cũng sẽ có triển vọng tăng trưởng giá.
Đồng tình quan điểm này, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư tại Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đang có sự chuyển hóa dòng tiền từ các nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa nhỏ. Nhiều trường hợp nhà đầu tư rót tiền vào các cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ đã đạt lợi nhuận khoảng 20% trong khi đầu tư vào mã bluechip có khi vẫn phải chịu lỗ. Vì thế cơ hội tăng trưởng của nhóm cổ phiếu nhỏ bao gồm cả các NHTM và các công ty niêm yết trong thời gian tới là khá khả quan. Điều này gián tiếp bổ trợ cho việc tái cấu trúc ở các ngân hàng nhỏ và thoái vốn, giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy, sau thời gian hơn 1 năm khởi sắc và diễn biến khá tích cực, đến nay hoạt động thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu chéo ở các NHTM có vẻ đã chững lại. Trong đó, có các phiên đấu giá cổ phần của Vietcombank tại Eximbank và MB diễn ra trong tháng 10/2018 đã không thành công do thiếu nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần.
Tuy nhiên, ngay khi có sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường đã được cải thiện. Những ngày cuối cùng của tháng 11, mặc dù vẫn giữ mức giá chào bán cao hơn 18% so với giá trên thị trường phi chính thức (OTC), nhưng Agribank đã bán thành công 468.446 cổ phần OCB với giá 18.130 đồng/cổ phần cho hai nhà đầu tư cá nhân, thu về 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11/2018, cổ phiếu MBB đã đạt khối lượng giao dịch rất lớn với gần 20 triệu cổ phiếu, giá chốt phiên tăng 3,2% so với phiên liền kề, đạt mức 21.550 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến này được giới quan sát nhận định có thể là do sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tạo cơ hội để Vietcombank bán ra theo kế hoạch thoái vốn khỏi MB. Điều đó cũng có nghĩa, diễn biến tích cực hiện nay của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là cơ hội để các ngân hàng đẩy nhanh lộ trình thoái vốn nhằm giảm tỷ lệ sở hữu chéo về theo đúng quy định của NHNN.