"Sau khi điều chỉnh vào tuần cuối tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức P/E 15,1, tương đương với mức chiết khấu 18% so với P/E các nước ASEAN. Đây là mức tương đối cao so với trung bình trong quá khứ, do đó chúng tôi cho rằng dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn trong thời gian tới", Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital nêu quan điểm.
Khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian qua trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh làm dấy lên quan ngại về việc rút vốn khỏi Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài lâu năm trên thị trường. VnEconomy đã có trao đổi với ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital về vấn đề này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến xu hướng bán ròng rất mạnh từ phía nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát vào cuối tháng 7 và trong 3 tháng gần đây, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 15% từ mức 798 lên 925 vào cuối tháng 10, mức tăng này cao hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng khoảng 360 triệu USD nâng tổng lượng bán ròng lên 410 triệu USD tính từ đầu năm.
Việc khối ngoại bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các nước ASEAN trong bối cảnh Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại Mỹ/Châu Âu.
Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt vượt trội so với các thị trường khác đã đẩy định giá của một số blue-chip lên mức cao. Điều này làm các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán để chốt lợi nhuận hơn là rút vốn khỏi Việt Nam.
Chốt lời và ở lại, nghĩa là thị trường Việt Nam vẫn nhiều cơ hội?
Trong dài hạn, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến được nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn do (i) Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, (ii) tăng trưởng vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục và (iii) kỳ vọng dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau khi Việt Nam được nâng tỷ trọng lên 28% trong chỉ số MSCI FM 100 Index (từ mức hiện tại 12%) trong 12 tháng tới.
Rủi ro trong ngắn hạn là kết quả bầu cử Mỹ gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam vì thế cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Tuy nhiên, trong dài hạn, dù ai đắc cử tổng thống Mỹ cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chứng khoán Mỹ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi gián tiếp từ sự tăng trưởng của thị trường Mỹ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ tháng 3 đến nay. Điều này có làm giảm tính hấp dẫn đối với dòng tiền mới không, thưa ông?
Tính từ cuối tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng vượt các nước trong khu vực, nguyên nhân do Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, nền kinh tế hồi phục nhanh hơn và lãi suất giảm mạnh thúc đẩy dòng tiền của nhà đầu tư trong nước vào chứng khoán trong bối cảnh một số kênh đầu tư truyền thống như vàng, USD và bất động sản không có lợi nhuận khả quan.
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh vào tuần cuối tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức P/E 15,1, tương đương với mức chiết khấu 18% so với P/E các nước ASEAN.
Đây là mức tương đối cao so với trung bình trong quá khứ, do đó chúng tôi cho rằng dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn trong thời gian tới. Đặc biệt khi dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện và quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ Frontier Market sẽ tăng từ 17% lên 28% sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng, nhưng có ý kiến cho rằng các quỹ ETF của MSCI đã bị thu hẹp quy mô nên tác động sẽ không lớn?
Theo ước tính của MSCI, Kuwait sẽ được nâng lên thị trường mới nổi (EM) bắt đầu từ cuối tháng 11, và tỷ trọng Việt Nam trong chỉ số MSCI FM 100 Index sẽ tăng từ mức hiện tại 12% lên 28%. Đây là thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, khi các quỹ nước ngoài (bao gồm cả quỹ thụ động và chủ động, ước tính khoảng 400-500 triệu USD) sẽ giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của các quỹ nước ngoài này.