Tuần qua, các ngân hàng trung ương lớn như của Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật… đã họp và đưa ra thông điệp quan trọng nhất cuối cùng của năm 2021. Thu hẹp dần chính sách nới lỏng là điểm khá chung.
Tại phiên họp ngày 16/12, Hội đồng Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh - BOE (MPC) đã quyết định tăng lãi suất cơ sở từ mức 0,10% lên 0,25%, chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục kể từ tháng 03/2020 nhằm hỗ trợ nền kinh tế dưới tác động của COVID-19.
Trước đó một ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã họp và đưa ra định hướng dự kiến tăng lãi suất 3 đợt trong năm 2022, tức là đã gần kề…
Trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng đã nêu cụ thể liệt kê tính đến thời điểm đó đã có 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.
Với những tín hiệu trên, thời và cơ hội của tiền rẻ nhất đang đi đến những bước cuối cùng. Dù các định hướng chỉ là dự tính, song tính hiện thực đã và đang lớn dần.
Tại Mỹ, ngay sau thông điệp nói trên của Fed, thị trường chứng khoán phản ứng tích cực và lên vùng đỉnh mới. Khi đó giới chuyên gia quốc tế có một (trong những) hướng nhìn rằng, nền kinh tế đã phục hồi khả quan hơn, “phao tiền rẻ” dần thu hẹp; cùng đó, Fed chấm dứt các đồn đoán tăng hay không tăng lãi suất, sớm hay muộn…, và cơ bản là thị trường đã có một thông điệp rõ ràng.
Nhưng cũng chỉ qua một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ lại đảo chiều, các chỉ số giảm khá mạnh. Trở về với thực tại, cú đảo chiều đó được một phần lý giải rằng nhà đầu tư quan ngại với chính sách lãi suất tăng lên, COVID-19 với biến thể Omicron tiếp tục phức tạp…
Những định hướng, trù tính chính sách, tác động của các yếu tố có sức nặng sẽ hiện thực hoặc không, hoặc mức độ nào đó, sẽ thể hiện trong tương lai; còn các thị trường vẫn thường có “bản tính” phản ứng gần như ngay tức thời với các thông điệp như vậy.
Việt Nam không nằm ngoài những diễn biến trên, đặc biệt với các đường hướng chính sách tiền tệ, lãi suất của các nền kinh tế lớn.
Lệch pha và đáng lo xa?
Trước hết, như BizLIVE có các bài viết vừa qua về xu hướng “bắt đáy lãi suất” thể hiện rất mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các ngân hàng thương mại.
Năm 2021, Việt Nam chứng kiến làn sóng huy động/đi vay nguồn nước ngoài không có Chính phủ bảo lãnh. Quy mô được Bộ Tài chính báo cáo có thể lên tới 6,35 tỷ USD, và dự kiến tốc độ tăng vượt giới hạn cho phép.
Một nguyên do chính, lãi suất trên thị trường quốc tế rơi sâu với tiền rẻ vốn rẻ, doanh nghiệp tranh thủ cơ hội của chi phí và đẩy mạnh đi vay.
Chính phủ cũng đồng thuận ở giá trị cơ hội đó khi có quyết định ngay đầu tháng 11 vừa qua , nới hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa lên 7 tỷ USD (tăng 650 triệu USD); tốc độ tăng cũng được nới lên 25% so với năm 2020 thay vì 18-20%.
Phía trước, cũng gần kề như trên, lãi suất trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng lên. Chi phí đi vay nước ngoài bớt đi phần cơ hội và phần dễ chịu. Tác động này đối với cả các khoản vay của Chính phủ lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, như Fed dự kiến, lãi suất không tăng mạnh tức thời mà có lộ trình, giãn dần.
Điểm đáng chú ý hơn, về vĩ mô, Việt Nam dường như đang lệch pha và lỡ nhịp trong những chuyển động này.
Thực tế và xu hướng thu hẹp dần chính sách nới lỏng và tăng lãi suất trên thế giới đang rõ ràng; trong khi đó Việt Nam vẫn đang phảng phất mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất, vẫn đang bàn thêm về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế (cũng là một gói nới lỏng, bao gồm cả giảm lãi suất qua dự kiến có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay) để có thể bắt đầu triển khai từ 2022.
Vậy nếu có sự lệch pha và lỡ nhịp trong chính sách tiền tệ so với thế giới như trên thì có đáng lo?
Câu trả lời chung nhất tập trung ở… sức ép đối với Ngân hàng Nhà nước năm tới.
Nếu lệch pha như trên thì chênh lệch lãi suất bị thu hẹp, dòng vốn dịch chuyển và tỷ giá nằm trong tác động bất lợi (nếu nhà điều hành xem ổn định tỷ giá là mục tiêu).
Chênh lệch lãi suất thu hẹp, trước hết dòng vốn carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) có thể đảo chiều. Ví như trong dự báo kỷ lục 18 tỷ USD kiều hối năm nay, liệu có tất cả là một chiều chuyển về bất chấp khó khăn bởi COVID-19, hay xen lẫn phần ủy thác để nắm chênh lệch lãi suất lớn giữa VND với USD, nhất là trong điều kiện tỷ giá USD/VND trượt giảm phần lớn năm 2021.
Và nếu như lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam áp trần 0%, thì lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng sẽ vẫn hấp thụ tác động của các đợt tăng dự kiến trong tương lai. Chênh lệch lãi suất ở đây thu hẹp sẽ tác động đến tỷ giá USD/VND, khi mà Việt Nam lệch pha với mục tiêu giảm lãi suất, nới lỏng và bơm mạnh tiền trong chương trình hỗ trợ phục hồi dự kiến.
Những năm gần đây tỷ giá USD/VND bình ổn, phần lớn thời gian của năm 2021 thậm chí còn giảm đáng kể. Thế nhưng, như vừa qua, cuối tháng 11 đầu tháng 12 này, tỷ giá USD/VND có những bước bật tăng tới 200-300 VND chỉ qua một đêm, cho thấy sức mạnh biến động tiềm tàng và buộc Ngân hàng Nhà nước phải phát thông điệp bán ra ngoại tệ can thiệp.
Tình huống lệch pha như trên, cùng những tác động mà đặc biệt là với tỷ giá, ít nhất là sự cản trở đối với mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất (nếu có), đẩy Ngân hàng Nhà nước và chính sách tiền tệ vào thế khó trong năm tới.
Thế khó đó từng được người trong cuộc nói vui một cách hình ảnh rằng: nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam vẫn có những giai đoạn cùng lúc phải nhảy với những điệu nhạc khác nhau…