Báo cáo tài chính được hiểu giống như một bộ sơ yếu lý lịch về doanh nghiệp giúp nhà đầu tư nắm được tình hình kinh doanh, cơ cấu tài sản cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Có khi chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về tài sản, nguồn vốn hay dòng tiền cũng có thể tạo ra một sự bước ngoặt lớn đối với giá cổ phiếu.
Mùa báo cáo tài chính mở ra nhiều cơ hội đầu tư, song không phải nhà đầu tư nào cũng nắm bắt được. Để nhận diện cơ hội đầu tư hấp dẫn từ cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính, đội ngũ phân tích WiGroup đưa ra ba yếu tố.
Thứ nhất, doanh nghiệp hưởng lợi từ việc đánh giá lại giá trị các khoản nợ nước ngoài. Việc sử dụng các khoản vay nợ luôn là con dao hai lưỡi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc sở hữu các khoản vay ngoại tệ lớn lại có thể đem đến những lợi ích tức thì cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đánh giá lại giá trị của chúng, trong điều kiện tỷ giá giảm mạnh.
Phân tích sâu hơn, đội ngũ phân tích WiGroup đưa ra ví dụ khi giá trị của cặp tiền tệ JPY/VND liên tục sụt giảm trong giai đoạn gần đây, cụ thể là hơn 24,7% giá trị của đồng yên Nhật bị "thổi bay" so với đầu năm 2021, đang giúp cho những doanh nghiệp có giá trị khoản nợ vay tiền Nhật lớn được hưởng lợi. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là ACV, với các khoản vay dài hạn từ nguồn vốn ODA Nhật Bản dùng để tài trợ cho các dự án cảng hàng không quốc tế lớn. Với gần 15.500 tỷ đồng vay bằng đồng yên Nhật (ghi nhận vào cuối năm 2020), khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá đã giúp cho doanh thu từ hoạt động tài chính của ACV tăng thêm 1.400 tỷ đồng trong năm 2021. Và điều này có khả năng là vẫn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022, khi mà đà lao dốc về giá trị của đồng yên Nhật hiện vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Thứ hai, người mua trả tiền trước gia tăng đột biến. WiGroup đánh giá khoản người mua trả tiền trước là một khoản mục rất đáng chú ý trong cơ cấu nguồn vốn. Vì nó biểu thị cho mức độ sẵn lòng thanh toán của khách hàng và độ "hot" của sản phẩm doanh nghiệp. Do đó, sự gia tăng đột biến các khoản thanh toán trước của khách hàng là thước đo tương đối đáng tin cậy, dự báo về triển vọng kinh doanh trong tương lai gần của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thanh toán trước của khách hàng còn cho phép doanh nghiệp có một dòng vốn với chi phí thấp để phục vụ sản xuất, từ đó tối ưu mức lợi nhuận mà công ty có thể thu được.
Nguồn: WiGroup
Đưa ra dẫn chứng cho quan điểm này, đội ngũ phân tích cho rằng DDV có khoản mục người mua trả tiền trước đã tăng đột biến lên mức gần 300 tỷ đồng, khi mà nhu cầu nội địa về phân DAP tăng mạnh, do áp lực từ giá phân quốc tế leo thang và hàng tồn kho bắt đầu vơi dần, từ đó "buộc" các khách hàng của DDV phải thực hiện "đặt cọc" trước cho các sản phẩm đầu ra của công ty.
Thứ ba, doanh thu chưa thực hiện lớn và tăng trưởng qua các năm. Theo WiGroup, doanh thu chưa thực hiện là một khoản mục ghi nhận các khoản tiền mà người mua trả trước cho doanh nghiệp, cho một hoặc nhiều kỳ. Và sau đó, khi sản phẩm hoặc dịch vụ được doanh nghiệp phân phối cho khách hàng theo thời gian, khoản mục này sẽ được ghi nhận tương ứng với doanh thu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Vì vậy mà đây cũng là một trong những dấu vết xác thực, thể hiện phần nào triển vọng tăng trưởng trong tương lai, của doanh nghiệp.
Khoản mục doanh thu chưa thực hiện thường xuất hiện trong báo các của tài chính của các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản khu công nghiệp, do đặc thù của hoạt động cho thuê mặt bằng của các doanh nghiệp thuộc ngành này - tiêu biểu như NTC. Quan sát NTC kể từ thời điểm năm 2013, chúng ta có thể thấy giá trị các khoản doanh thu chưa thực hiện của công ty này liên tục tăng mạnh qua các năm, thể hiện cho quá trình các quỹ đất cho thuê dần được lấp đầy, kéo theo đó là sự gia tăng về lợi nhuận kinh doanh và giá trị của cổ phiếu.