Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào ngày 12/6, mở ra hy vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đồng thời thổi bùng hy vọng về việc mở cửa nền kinh tế bí ẩn của Triều Tiên.
Theo CNN, tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết khả năng các công ty Mỹ sẽ đầu tư vào Triều Tiên nếu điều đó xảy ra. Còn theo giới phân tích, nếu có quốc gia nào nhanh chân rót vốn vào quốc gia này thì đó sẽ là Trung Quốc
"Khả năng sinh lời đầy hấp dẫn"
Theo giới chuyên gia, Triều Tiên có một số điểm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài. Quốc gia này nằm ở giữa chuỗi cung ứng lớn của châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản. Nền kinh tế "bế quan tỏa cảng" suốt nhiều thập kỷ qua này có nhiều dư địa để phát triển.
"Cơ hội sinh lời tại Triều Tiên là rất lớn và hấp dẫn", Peter Ward, nhà nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) nhận định.
Theo các chuyên gia về Triều Tiên, người dân nước này nghèo đói nhưng được giáo dục, trong khi đó chi phí lao động ở đây lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng. Điều này giúp Triều Tiền có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất hàng dệt may và điện tử.
Tuy nhiên, những lợi thế này bị lấn án bởi loạt rào cản lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự can thiệp sâu của chính quyền Kim Jong Un.
"Khả năng chính quyền Bình Nhưỡng cho phép các khoản đầu tư lớn vào nước này là rất thấp", Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Asan tại Seoul cho biết. "Chính quyền này có sự hoài nghi lớn về thị trường quốc tế".
Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành nước đầu tư số một khi nước này mở cửa nền kinh tế. Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng tại hầu hết khu vực ở Triều Tiên đều trong tình trạng tồi tệ và nước này trở thành ứng cử viên tự nhiên cho sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc – kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ USD vào xây dựng đường bộ, cảng biển và đường sắt từ châu Á tới châu Phi.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ Trung Quốc có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Trung Quốc hiện đã nắm quyền kiểm soát một cảng biển được xây dựng bằng nguồn vốn từ nước này tại Sri Lanka sau khi quốc gia Nam Á này không thể chi trả các khoản tiền thanh toán.
Giới chuyên gia nhận định những trường hợp như thế này sẽ được Bình Nhưỡng đặc biệt chú ý và nước này chắc chắn không muốn từ bỏ bất cứ quyền lực nào cho quốc gia láng giềng.
"Triều Tiên có thể sẽ cân nhắc kỹ về khả năng cho phép Trung Quốc nắm quyền sở hữu các tài sản trong tương lai", Ward nói.
Lịch sử đầu tư không mấy tốt đẹp
Vào những năm 1980, Bình Nhưỡng vỡ nợ với khoản vay tại các ngân hàng châu Âu và Australia. Gần đây hơn, các công ty hoạt động tại Triều Tiên cũng gặp nhiều khó khăn.
Vào cuối những năm 2000, tập đoàn Ai Cập Orascom được mời liên doanh với chính phủ Triều Tiên để xây dựng mạng di động đầu tiên của nước này. Trong nhiều năm, công ty này gặp nhiều khó khăn, từ việc chuyển lợi nhuận ra khởi Triều tiên cho tới việc Bình Nhưỡng thành lập một công ty mạng di động thuộc sở hữu của chính phủ.
Trong báo cáo tài chính năm 2015, Orascom nói rằng "quyền kiểm soát đối với hoạt động trong liên doanh của công ty đã bị mất". Đến nay, không có nhiều thông tin về số phận của công ty này được công bố.
Các công ty Hàn Quốc làm ăn ở Triều Tiên cũng gặp nhiều rắc rối. Năm 1998, Tập đoàn Huyndai bắt đầu kinh doanh một khu nghỉ dưỡng trên núi tại đây. Khu tổ hợp này thu hút 2 triệu du khách Hàn Quốc trong suốt 10 năm trước khi bị đóng cửa bởi một vụ giết người. Khu nghỉ dưỡng này đã bị chính quyền Bình Nhưỡng tịch thu.
"Họ đã mất tất cả và thậm chí giờ không được phép làm ăn tại Triều Tiên", nhà nghiên cứu Go của Viện Asan nói về Huyndai.
Bất chấp quá khứ đó, Huyndai đang nỗ lực chuẩn bị để quay lại Triều Tiên. Còn công ty đầu tư Samsung Securities của tập đoàn Samsung tuần trước cũng cho biết đã thành lập một nhóm nghiên cứu để phân tích các khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai tại nước này.
Hai miền Triều Tiên cũng từng hợp tác tại đặc khu kinh tế Kaesong, nơi công nhân Triều Tiên sản xuất hàng hóa cho các công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, Ward cho rằng nhiều công ty Hàn Quốc chỉ đồng ý hoạt động tại đặc khu nằm bên kia biên giới với Triều Tiên này vì được hỗ trợ và bảo vệ bởi chính quyền Seoul. Kaesong đã bị đóng cửa vào năm 2016 khi căng thẳng chính trị leo thang.
Giới chuyên gia đưa ra một vài lý do khiến chính phủ Bình Nhưỡng có xu hướng "trở mặt" với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số cho rằng chính quyền này lo sự lan rộng của chủ nghĩa tư bản thị trường sẽ làm suy yếu quyền lực của chính phủ, và rằng các công ty nước ngoài đầu tư vào quốc gia này có thể sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến phe phái trong chính quyền.
Một số khác tin rằng nền kinh tế khép kín của Triều Tiên khiến các quan chức không biết được những điều được xem là căn bản khi làm việc với đối tác kinh doanh.