Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2019 cho Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Phương án mới này là kế hoạch của một ngân hàng thương mại đã cổ phần hóa, nhưng nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
Khoảng chục năm trước, VietinBank gắn với tên gọi của nhóm ngân hàng quốc doanh, để phân biệt với những thành viên có cơ cấu sở hữu chi phối của khu vực tư nhân.
Tên gọi đó cũng để phân nhóm trong hệ thống, nhóm quốc doanh (bao gồm cả Ngân hàng Chính sách Xã hội), nhóm các tổ chức tín dụng khác (chủ yếu ngân hàng tư nhân và khối nước ngoài).
Theo phân nhóm trên, chục năm trước, khối ngân hàng quốc doanh chiếm áp đảo thị phần ở hai mảng truyền thống và chính yếu: huy động và cho vay.
Thế nhưng, sau chục năm, khối các tổ chức tín dụng khác đã tạo được bước tiến mạnh, vươn lên nắm thị phần huy động lớn hơn; trong đó chủ yếu từ nỗ lực của khối ngân hàng tư nhân Việt.Còn ở cho vay, khối các tổ chức tín dụng khác có gia tăng đáng kể thị phần. Dù vậy, sau chục năm, miếng bánh lớn hơn vẫn thuộc về khối ngân hàng quốc doanh.
Triển vọng đặt ra, thị phần cho vay của khối các tổ chức tín dụng khác có thể tiếp tục gia tăng và vượt qua khối ngân hàng quốc doanh.
Triển vọng đó gắn với cơ hội hiện nay. Trường hợp VietinBank nói trên đại diện cho khó khăn chung của khối ngân hàng quốc doanh hiện nay và trong tương lai gần: khó tăng vốn điều lệ (nội dung đã có nhiều phân tích thời gian qua).
Khó tăng vốn, tăng trưởng và quy mô cho vay có giới hạn, theo các yêu cầu cân đối các chỉ số an toàn hoạt động. Thị phần cho vay khối ngân hàng quốc doanh theo đó bị hạn chế nhất định.
Trong kinh doanh, khó khăn của doanh nghiệp hoặc của khối này là cơ hội cho doanh nghiệp hoặc khối khác. Đó là tự nhiên lạnh lùng của thị trường. Nhưng nắm bắt được cơ hội hay không còn tùy thuộc vào điều kiện nội tại.
Khối ngân hàng tư nhân Việt Nam trong chục năm qua đã trải qua nhiều thăng trầm. Một loạt thành viên rơi vào diện yếu kém và từng phải tái cơ cấu. Một số trường hợp lớn gặp khó khăn sau sáp nhập, hoặc nội bộ cổ đông lớn chưa thống nhất, dẫn tới chậm chân hoặc hẫng bước.
Nhưng dù vậy, đó cũng là chục năm khối ngân hàng tư nhân không ngừng gia tăng và lấn sân thị phần.
Nay, với cơ hội trên, với điều kiện thuận lợi hơn về mô hình, linh hoạt hơn trong các phương án tăng vốn điều lệ gắn với cơ cấu cổ đông không bị ràng buộc cơ chế tăng đầu tư như cổ đông nhà nước, khối ngân hàng tư nhân Việt Nam có thể nắm được và tiếp tục vươn thêm ở hai thị phần chính yếu đó.
Triển vọng này cũng trở nên đáng chú ý, khi mà nhiều thành viên trong khối ngân hàng tư nhân Việt Nam đã và đang tái cơ cấu có kết quả, theo cập nhật gần đây từ Ngân hàng Nhà nước cũng như trong thực tiễn hoạt động của họ.
*Dữ liệu thị phần từ báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước.