Chiều 24/4 tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành đã họp bàn với các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học về định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong tương lai.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
"Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh. Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Chính phủ, đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.
Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 đến 100.000 kỹ sư bán dẫn.
Thủ tướng cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến để đạt mục tiêu nói trên trong thời gian ngắn nhất có thể. Gợi ý về cách làm, Thủ tướng cho rằng vừa cần giải pháp tiệm tiến, vừa cần các giải pháp đột phá.
Về cách làm tiệm tiến, Thủ tướng cho rằng trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn. Cùng với đó, hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu; tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã có và bổ sung thêm.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu phát biểu, góp ý thêm về các giải pháp mang tính đột phá để đẩy mạnh đào tạo nhân lực bán dẫn. Dự kiến, sau Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành kết luận để các bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả.
Trao đổi về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án.
Đặc biệt là đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo. Hai là đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Ba là đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; Bốn là thu hút chuyên gia, nhân tài; Năm là tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Sáu là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; Bảy là các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Trong các cuộc làm việc cấp cao của Thủ tướng Chính phủ với các đối tác Hoa Kỳ vừa qua, phía Hoa Kỳ đều nhấn mạnh, Việt Nam để nắm bắt và hiện thực hoá được cơ hội này cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 03 nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; Đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, ướcc tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 01 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
"Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới", ông Dũng nêu.
Chính vì vậy, "việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.