Nhiều ông lớn FDI tìm hiểu cơ hội đầu tư
Chống dịch COVID-19 cơ bản thành công đã giúp Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút dòng vốn đầu tư trên thế giới. Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đang tập hợp nghiên cứu về làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới.
Trước COVID-19, với tác động của thương chiến Mỹ - Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Nhiều đoàn công tác của DN tìm hiểu cơ hội đầu tư đã đến Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương làm việc.
Gần đây nhất, Apple đang đẩy mạnh sản xuất tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam. Ngoài ra, các hãng lớn như Microsoft, Samsung, LG và nhiều tập đoàn lớn, nhỏ khác cũng đang đầu tư, mở rộng sản xuất ở Việt Nam.
Khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa thực hiện cho thấy, 63,9% DN Nhật Bản có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Một điều tra với hơn 3.500 DN Nhật do JETRO thực hiện về dự định đầu tư ở nước ngoài, tỷ lệ DN chọn Việt Nam để đầu tư tăng từ 5,5 lên 41%.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khẳng định, Kocham sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp Hàn Quốc có chất lượng tới đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc của Chính phủ Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cùng doanh nghiệp Việt tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh COVID-19, đồng thời cam kết cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Cục Đầu tư nước ngoài đang tập hợp nghiên cứu những làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới, nhất là làn sóng đầu tư của nhiều DN lớn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam cũng đang sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, triển khai các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-TW để thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.
Chuẩn bị sẵn hạ tầng khu công nghiệp
Theo Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), để có thể đón đầu sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam phải sẵn sàng về hạ tầng, thông tin; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các địa phương cần hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.
Khảo sát của PV Tiền Phong tại một số khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, Hà Nam cho thấy, nhiều KCN đã có định hướng lựa chọn ngành nghề thu hút đầu tư như linh kiện điện tử. Đồng thời, từ chối ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường như dệt may, dệt nhuộm…
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cũng nhận định: Để đón được làn sóng đầu tư nhằm trở thành công xưởng của thế giới, theo ông Du, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sàng lọc dự án FDI, chỉ lựa chọn những dự án có công nghệ cao, tạo sự kết nối, lan tỏa với DN trong nước. “Tránh trường hợp, FDI trở thành “ốc đảo’ như thời gian vừa qua, ông Du khẳng định.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây chính là "cơ hội vàng" để thế giới biết tới Việt Nam, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Có 63,9% DN Nhật Bản có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Một điều tra với hơn 3.500 DN Nhật do JETRO thực hiện về dự định đầu tư ở nước ngoài, tỷ lệ DN chọn Việt Nam để đầu tư tăng từ 5,5% lên 41%.