Ở thời đại mọi thứ đều đưa lên mạng, người mua chỉ cần ngồi một chỗ bấm điện thoại hay thao tác bàn phím, vàng mã được đưa tới tận nhà.
Quan niệm “Trần sao âm vậy” nên nhiều người dân đốt tiền giấy, vàng mã (nhà lầu, xe hơi, điện thoại, vàng bạc,...) cho người thân đã khuất với mong muốn ông bà tổ tiên có đầy đủ đồ dùng ở “thế giới bên kia”, đặc biệt là dịp tháng 7 âm lịch.
Khảo sát trên các trang thương mại điện tử, nhiều sản phẩm vàng mã được rao bán. Người mua có thể tìm thấy từ sản phẩm tiền giấy, quần áo vàng mã, tới các đồ cúng lễ cô hồn như bỏng ngô, bánh kẹo,... Tuỳ số lượng sản phẩm mà mức giá khác nhau, dao động từ 15.000-20.000 đồng.
Nhiều đồ vàng mã bán online |
Không chỉ các trang thương mại điện tử, mà trên các cộng đồng kinh doanh facebook cũng khá nhộn nhịp. Đại diện một người bán cho hay, tháng cô hồn, nhu cầu mua sắm những đồ cúng lễ cũng tăng qua thống kê lượng kiếm và đặt hàng.
“Mọi người đặt sớm sẽ tránh khỏi nguy cơ bị hết hàng, nhỡ việc nhé. Vàng tiền giấy đẹp, đủ chứ không làm thiếu lõi và in mờ như hàng rẻ tiền đâu ạ. Nhà em gốc ở phố Hàng Mã, chất lượng vàng mã thì mọi người yên tâm, mà giá cả thì rất OK ạ, vì em lấy công làm lãi”, chị Tuyết, một người bán vàng mã, quảng cáo.
Đồ cúng cô hồn gồm nhiều loại, với mức giá khác nhau |
Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử mà facebook cũng nhộn nhịp |
Chị Thu Hải (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, sau khi thử tìm kiếm trên ứng dụng mua sắm, chị khá bất ngờ vì những sản phẩm như vàng mã được bán trên mạng. “Trước đây, người tiêu dùng thường đi chọn mua đồ cúng lễ ngoài chợ, cửa hàng tạp hoá. Nay, họ có thể dễ dàng mua trên mạng”, chị nói.
Mặc dù quảng cáo giá rẻ và tiện dụng tuy nhiên không ít người bày tỏ quan điểm không mua vàng mã.
Chị Nguyễn Thị Nga (Hoàng Liệt, Hà Nội) cho rằng, chị tiết kiệm tiền vàng mã để làm công đức. Việc dùng tiền thật, có giá trị kinh tế để mua những đồng tiền giấy, vàng mã rồi theo ngọn lửa thành tàn tro không có ý nghĩa gì mà còn dẫn đến sự lãng phí, gây hại nhiều đến môi trường và sức khỏe của con người.
Bảo Anh