Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)với báo chí tại buổi họp báo thông tin về Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 ngày 3/7.
Ảnh hưởng lâu dài tới Việt Nam
Ông Lộc lo ngại trước tình hình thương mại thế giới nửa đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Những biện pháp bảo hộ - trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu trở thành hiện thực có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong dài hạn.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Theo phân tích của ông Lộc, ở chiều tích cực, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường ở Mỹ khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao.
Mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc dự kiến áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể tận dụng thị trường. Căng thẳng về đầu tư Mỹ -Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ.
Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.
Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn. "Đặc biệt, rủi ro khi kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017", ông Lộc chỉ ra một trong những tín hiệu cảnh báo đầu tiên.
Xuất hiện quan ngại nhất định
Chủ tịch VCCI cho rằng thương mại Việt Nam với thế giới may mắn chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ ở các thị trường. Số liệu xuất nhập khẩu không bị biến động lớn, thậm chí tăng nhẹ so với 2017.
Theo số liệu của tổng cục hải quan xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2017. Nhập khẩu đạt 111,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại ở mức 2,57 tỷ USD.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua các tháng, đầu tư nước ngoài cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung có chiều hướng giảm.
Đó là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Mỹ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. EU áp dụng thẻ vàng kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng đối với hải sản Việt Nam.
Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay vẫn có những điểm sáng và yếu tố mới liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai như CPTPP, FTA với liên minh châu Âu (EVFTA) cùng 10 FTA khác. Đây sẽ là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
"Bên cạnh đó, một loạt các động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư cũng sẽ mang lại kết quả tích cực", ông Lộc bày tỏ.