Nghị quyết 20 thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (dự án) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Nghị quyết nêu rõ việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu; trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ giao Bộ GTVT bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định "Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực". Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý.
Theo Nghị quyết 20, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng triển khai quyết định số 1597/2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH tập đoàn Bitexco (Công ty Bitexco) là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án. Giao Bộ GTVT thông báo với Ngân hàng Thế giới.
Bộ GTVT giao Công ty Bitexco tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh, cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trước đây. Bộ GTVT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco, đàm phán với Công ty Bitexco theo 2 phương án sau để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phương án 1 (Công ty Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư dự án): Nhà nước sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Phương án 2 (Công ty Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư): Công ty Bitexco được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng chiều dài hơn 101km, điểm đầu thuộc huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối thuộc huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận).
Theo Ban Quản lý dự án 1 (Bộ Giao thông - vận tải), dự án này được tách thành 2 hợp phần, hợp phần 1 có chiều dài 36km từ Dầu Giây đến Xuân Lộc, hợp phần 2 có chiều dài 62km từ Xuân Lộc đến Phan Thiết. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 17.700 tỷ đồng, trong đó hợp phần 1 có mức vốn đầu tư trên 6.200 tỷ đồng.
Đối với hợp phần này, Chính phủ cho phép đầu tư bằng nguồn vốn vay từ Tổ chức Hội Phát triển quốc tế (IDA) và Ngân hàng Quốc tế tái thiết và phát triển (IBRD) của Ngân hàng thế giới (WB). Với hợp phần 2, đoạn từ Xuân Lộc đến Phan Thiết được đầu tư theo hình thức đầu tư - khai thác - chuyển giao (PPP).
Theo kế hoạch, hợp phần 1 được khởi công từ quý I/2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và hợp phần 2 khởi công vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn bất động chưa được khởi công.