Tuyên truyền thay đổi nhận thức
Theo ông Trần Thiện Tuấn - Giám đốc BHXH huyện Krông Búk, thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng.
Ông Tuấn cho rằng, có được kết quả này, cùng sự vào cuộc của Huyện ủy, UBND huyện Krông Búk còn có sự góp sức không nhỏ của Hội Nông dân huyện với vai trò là cầu nối giúp BHXH tự nguyện được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến đông đảo hội viên, nông dân.
Anh Hoàng Viết Hưng (phải) - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Ea Kroa, xã Cư Né, huyện Krông Búk vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện. (ảnh: Thúy Hồng)
Đơn cử như vào cuối năm 2018, BHXH huyện Krông Búk đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho trên 182 cán bộ, hội viên, nông dân ở các thôn Ea Nguôi, Ea Plai và Ea Kroa (xã Cư Né). Sau khi nghe cán bộ BHXH huyện trình bày nội dung chính sách BHXH tự nguyện; trao đổi thông tin, giải đáp một số nội dung còn thắc mắc của người dân, đồng thời tư vấn về mức đóng, phương thức và thời gian đóng, quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện... đã có hơn 30 người tham dự đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Số hội viên, nông dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện nhiều nhất là ở thôn Ea Plai với hơn 20 người. Là người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại hội nghị, anh Hoàng Viết Hưng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Ea Kroa chia sẻ: “Qua nghe tuyên truyền, thấy được tính ưu việt và những giá trị nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, tôi đã đăng ký tham gia, sau đó tiếp tục vận động được thêm 2 người trong thôn cùng tham gia”.
Theo anh Hoàng Viết Hưng, thông tin về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, anh đã đọc trên báo và nghe Hội Nông dân cấp trên phổ biến nhiều lần. Tuy nhiên, để đông đảo hội viên, nông dân cùng tham gia BHXH tự nguyện thì ngành chức năng, Hội Nông dân cần mở nhiều hội nghị truyên truyền, giải thích, vận động cụ thể, rõ ràng. Khi người dân đã hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện thì mọi việc dễ dàng.
Nông dân cũng được hưởng lương hưu
Được biết, trên địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk hiện đã có 64 người tham gia BHXH tự nguyện.
Tương tự, vào cuối năm 2019, tại hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện cho 60 người dân tại thôn Ea My (xã Ea Sin), sau khi được cán bộ ngành BHXH giới thiệu và giải đáp băn khoăn, thắc mắc, nhiều hội viên đã thấy được tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện nên 15 người đăng ký tham gia tại chỗ.
Qua nghe tuyên truyền, thấy được tính ưu việt và những giá trị nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, tôi đã đăng ký tham gia, sau đó tiếp tục vận động được thêm 2 người trong thôn cùng tham gia”. Anh Hoàng Viết Hưng - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Ea Kroa |
Bà Cao Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk bày tỏ, tham gia BHXH tự nguyện giúp những đối tượng lao động tự do, người dân khu vực nông thôn giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già; bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Theo bà Nga, tham gia BHXH tự nguyện còn giúp mỗi người nâng cao giá trị bản thân, bởi lẽ lâu nay, đại đa số người lao động tự do, đặc biệt nông dân chưa bao giờ nghĩ mình có thể hưởng “lương hưu” như những người làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp...
Theo lãnh đạo BHXH huyện Krông Búk, để tiếp tục thu hút nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, địa phương sẽ chú trọng hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các đoàn thể, địa phương và giao các đại lý, điểm thu bảo hiểm trực tiếp đi đến từng thôn, buôn giải thích, vận động từng người dân, hộ gia đình với phương châm “đến từng nhà, gặp từng người”.
Chú trọng trong công tác tuyên truyền, vận động tới tận gia đình, thôn, bản, ngành BHXH và Hội Nông dân huyện Krông Búk mong muốn mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ lợi ích và tính ưu việt mà loại hình BHXH tự nguyện mang lại.