Những ngày này, đi qua Cầu Dùng, huyện Thanh Chương nhìn xuống bãi sông phía hữu ngạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người dân xã Thanh Lĩnh đang thu hoạch những luống khoai lang sát mép nước.
Đó là những luống khoai “hờ” tranh chấp với mưa lũ mà phải là người dân địa phương am hiểu thời tiết, lịch sử lên - xuống của con nước và có máu liều mới dám canh tác.
Người dân xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) thu hoạch khoai lang trồng trên đất bãi. Ảnh: Đình Hà
Theo chị Trần Thị Thuận ở thôn Lĩnh Thủy, xã Thanh Lĩnh cho biết: Sau tháng 11, khi đã hết mùa lũ lụt bên sông Lam và các sông, suối xuất hiện nhiều bãi phù sa tốt tươi. Những bãi phù sa này rất hợp với trồng cây khoai lang, phần vì nói như cha ông “khoai đất lạ”, và cây khoai lang có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 90 - 100 ngày) nên phù hợp với khoảng thời gian mùa đông sông Lam ít xảy ra lũ lụt nên không bị hư hỏng.
Khoai được trồng sát mép nước. Đây là diện tích này không giao khoán, không phải đóng thuế, nếu được thì “ăn không”, nếu thời tiết xáo trộn có lũ muộn hoặc lũ sớm coi như mất trắng nên gọi khoai “hờ” là vì thế.
Giống khoai được trồng chủ yếu là "khoai Sơn" với đặc điểm thân trắng, vỏ củ màu đỏ, ruột trắng pha vàng. Giống khoai này có khả năng chịu rét chịu hạn. Do đất phù sa màu mỡ nên quá trình trồng người dân không phải sử dụng bất kỳ loại phân bón nào. Người tiêu dùng ưa chuộng vì khoai sạch, tỷ lệ bột cao và có hương vị đặc trưng của khoai địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm 4, xã Ngọc Sơn năm nay có 1 sào khoai cho thu nhập trên 3 triệu đồng phấn khởi cho hay: Nói là trồng “hờ” đánh bạc với trời nhưng năm nào cũng có thu hoạch. Từ trồng “hờ” sát mép nước nay nhiều người đã loại bỏ một số cây có giá trị thấp hơn như ngô, cỏ voi, dâu để trồng khoai trên bãi cao. Một cái được nữa là khoai lang đất bãi dễ tiêu thụ.
Bãi khoai “hờ” nằm sát mép sông dưới chân Cầu Dùng của người dân xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Đình Hà
Khoai lang hiện có giá bán khoảng 15.000 đồng/kg; ngoài củ, các phụ phẩm khác như ngọn, lá cũng là nguồn rau sạch nên được người dân trồng ngày một nhiều hơn. Hiện ở các xã Thanh Lĩnh, Thanh Văn, Đồng Văn, Ngọc Sơn... mỗi xã có từ 5 - 20ha; tổng toàn huyện có khoảng 300 ha. Nếu bình quân mỗi sào đạt 2 tấn, người dân có nguồn thu gần 10 tỷ đồng từ khoai.
Từ trồng tự phát của người dân sống gần bãi sông, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp huyện Thanh Chương và các HTX đã từng bước tham gia cùng người dân. Theo ông Nguyễn Như Thiện - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Văn, trước hiệu quả của khoai “hờ” trên bãi phù sa, HTX đã nhập về một số giống mới như Hồng Long, KL 05, bước đầu cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn./.