Khi nền kinh tế Trung Quốc đang ở trạng thái "rơi tự do" và hàng triệu doanh nghiệp nhỏ thiếu tiền mặt, thì nền tảng cho vay trực tuyến được tỷ phú Jack Ma "chống lưng" đã vào cuộc để hỗ trợ các công ty vượt qua khủng hoảng.
Vào giữa tháng 2, khi dịch Covid-19 đạt đỉnh tại Trung Quốc, MYbank đã phải nhanh chóng đưa ra quyết định liệu có nên giảm quy mô hay tiếp tục tăng cường cho vay. Sau 2 ngày liên tiếp thực hiện các cuộc gọi và email, các giám đốc điều hành của công ty đã đồng ý với 25 ngân hàng đối tác về một chiến lược tiềm ẩn nhiều rủi ro: hạ lãi suất và mở rộng điều kiện tín dụng ở quy mô chưa từng có.
Hiện tại, MYbank chuẩn bị tung ra khoản vay kỷ lục 2 nghìn tỷ CNY (282 tỷ USD) cho các công ty vừa và nhỏ vào năm nay, tăng gần 18% so với con số của năm ngoái. Chủ tịch của công ty – Jin Xiaolong, cho biết "đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh, chúng tôi không hề hạ mục tiêu kinh doanh."
Dù động thái thúc đẩy hoạt động cho vay phù hợp với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau đại dịch, thì MYbank và cổ đông lớn nhất – Ant Financial của Jack Ma, phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 là "bài kiểm tra áp lực" đầu tiên đối với các thuật toán cho vay của MYbank. Trong đó, nền tảng này xử lý các khoản thanh toán theo thời gian thực và sử dụng các dữ liệu khác để đánh giá người đi vay – thường có ít lịch sử tín dụng và tài sản thế chấp. Nếu việc thúc đẩy hoạt động này khiến khả năng vỡ nợ tăng lên, thì mức định giá 150 tỷ USD của Ant Financial sẽ gặp rủi ro và cản trở những kế hoạch thực hiện IPO.
Wang Haimei – nhà phân tích tại công ty WDZJ, nhận định: "mô hình này vẫn chưa được thử nghiệm trong vòng kỳ tín dụng đầy đủ."
Tổng số khách hàng của MYbank.
MYbank là nhân tố đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược mở rộng dịch vụ ngân hàng của Ant Financial – bao gồm cả nền tảng cho vay tiêu dùng và một nhóm công nghệ bán dịch vụ điện toán đám mây, cơ sở hạ tầng khác cho các ngân hàng. Hiện tại, Ant dự kiến sẽ ghi nhận mức doanh thu 65% từ các dịch vụ này vào năm 2012, tăng 35% vào năm 2017.
Trước khi Covid-19 khiến nền kinh tế Trung Quốc "đóng băng" ở quý đầu tiên, MYbank cho biết hệ thống quản lý rủi ro với thuật toán 3.000 biến số của họ sẽ giúp tỷ lệ vỡ nợ chỉ chiếm 1,3% trong tổng số các khoản vay. Dù Jin từ chối cung cấp số liệu cập nhật về các khoản nợ, nhưng ông cho biết con số gia tăng trong thời gian gần đây vẫn nằm trong "phạm vi dự kiến".
Ông cho hay: "Số doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và việc trả lãi của các khoản nợ đã không còn cao như trước đây." Jin cũng nói thêm rằng chất lượng tín dụng trong tháng 2 và 3 tại Trung Quốc vẫn ở mức "lành mạnh". Ngoài ra, MYbank cũng hỗ trợ 1 số khoản vay bằng vốn riêng, nhưng các nhà cho vay khác sử dụng nền tảng này để tiếp cận với những doanh nghiệp nhỏ - những đối tượng trước đấy họ thường "né tránh".
Theo số liệu chính thức, trong tháng 3, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tăng 0,06% lên 2,04% so với 3 tháng trước, dù các nhà cho vay đã hoãn thời gian thanh toán hoặc gia hạn thời gian đáo hạn cho khoản nợ tổng cộng trị giá 1,5 nghìn tỷ CNY. China Merchants Bank– một trong những ngân hàng lớn nhất cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ, cho biết các khoản vay đối với khách hàng tài chính vi mô quá hạn tại đây đã tăng gần cấp đôi so với năm ngoái, lên 6,2 tỷ CNY trong quý đầu tiên.
Trong khi đó, việc các khoản nợ có trở thành một vấn đề lớn hơn hay không sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi ghi nhận mức tăng trưởng -6,8% trong quý I. Nhu cầu toàn cầu sụt giảm cũng có thể trở thành "cơn gió ngược" trong vài tháng tới, nhưng Jin lại nhận thấy dấu hiệu khả quan khi quốc gia này gỡ bỏ lệnh phong toả. Ông chia sẻ: "Chúng tôi có thể thấy các doanh nghiệp đang hồi phục vào tháng 3. Chúng tôi tự tin rằng có thể tung 2 nghìn tỷ CNY tín trọng trong năm nay."
Tham khảo Bloomberg