Nhiều minh chứng cho thấy nhà máy đang bị thu hẹp hoặc đóng cửa hoàn toàn tại Trung Quốc, với các công ty chuyển đến Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và các khu vực khác của Đông Nam Á. Bloomberg cho rằng, điều này không chỉ do chiến tranh thương mại, vì chi phí lao động tăng và đáp ứng các quy định về môi trường ở Trung Quốc góp phần cũng dẫn đến việc các công ty tìm kiếm các trung tâm sản xuất rẻ hơn trong những năm gần đây.
Không thể phủ nhận, thuế quan từ Mỹ đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch này diễn ra mạnh mẽ hơn, và các công ty hậu cần có khả năng xuyên biên giới đang nắm bắt cơ hội vàng trong việc vận chuyển chuỗi sản xuất của các công ty từ các trung tâm công nghiệp Trung Quốc sang các khu công nghiệp mới xây dựng ở các nước láng giềng.
"Từ nửa cuối năm 2018, công ty chúng tôi đã giúp 10 nhà sản xuất - trong các lĩnh vực từ trang sức, đến điện tử, đến in ấn - di dời toàn bộ nhà máy của họ. Điều đó có nghĩa là, 10 doanh nghiệp này đã hoàn toàn rút khỏi Trung Quốc", ông Eric Huang, giám độc một trong những công ty hậu cần hàng đầu tại Quảng Châu, R & T Transport trả lời South China Morning Post.
"Chúng tôi cũng đã giúp ít nhất 500 công ty khác vận chuyển một phần dây chuyền sản xuất của họ, cũng như nguyên liệu và thiết bị, đến các nhà máy mới được xây dựng của họ ở Việt Nam, Indonesia và Thái Lan", ông nói. "Khi cuộc chiến thương mại leo thang trong những tuần gần đây, cuộc tháo chạy cũng tăng tốc".
Hoa Kỳ một danh sách hàng hóa mới phải chịu mức thuế 25%, chứa gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, trị giá ước tính 300 tỷ USD. Ông Hsu Yu-lin, Chủ tịch Phòng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho biết, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn đang tranh giành các điểm đến để rời Trung Quốc. Thuế quan 25% trong ngành nội thất đã biến việc mở các nhà máy tại Việt Nam đã trở thành ưu tiên hàng đầu của hầu hết các công ty nội thất thế giới.
"Có rất nhiều công ty chuyển đến Đài Loan hoặc đến Việt Nam trong tình trạng khẩn cấp vì họ không chuẩn bị tâm lý rằng cuộc chiến thương mại ngày càng tồi tệ hơn. Tình hình đã chuyển biến mạnh mẽ trong hai tuần qua. Nhiều nhà sản xuất Đài Loan mà tôi biết đã không chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn như vậy. Họ đã không lường trước được rằng nó sẽ trở nên nghiêm trọng đến thế", ông Hsu nói. Ông cũng cho biết thêm rằng những công ty dịch vụ hậu cần xuyên biên giới, các công ty có thể xử lý các thiết bị sản xuất quy mô lớn và quản lý thủ tục hải quan, đang gặt hái rất nhiều lợi ích.
"Trước sự hạ nhiệt đột ngột trong quan hệ Mỹ-Trung thời điểm trước đó, một vài công ty đã rời Trung Quốc chưng hửng vì nghĩ rằng phán đoán của họ đã sai, phàn nàn rằng chi phí di dời quá cao. Bây giờ thì họ lại vui rồi, vì họ đã sớm rời đi. Giờ việc di dời sẽ khó khăn hơn và tốn kém hơn".
Ông Huang của R & T Transport đã nhận thấy một xu hướng nổi bật khác trong năm qua: các cơ sở sản xuất được xây dựng ở các nước Đông Nam Á đôi khi còn lớn hơn các nhà máy bị bỏ lại ở Trung Quốc: "Nhà xưởng và số lượng công nhân của các công ty ở các nước ASEAN thường bằng hoặc thậm chí lớn hơn quy mô trước đây của họ ở Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy tham vọng của các nước này để đảm nhận năng lực sản xuất của Trung Quốc. Các khu công nghiệp được xây dựng mới đã và đang được mở rộng. Tất cả họ đều tập trung vào việc di dời sản xuất từ Trung Quốc.
Lim Kian Peng - phó tổng giám đốc của Overland Total Logistics (OTL) cho biết công ty ông đã giúp 300 nhà sản xuất vận chuyển một phần dây chuyền sản xuất, cũng như nguyên liệu và thiết bị cho các nhà máy mới được xây dựng của họ ở Đông Nam Á. Trong số đó có các nhà sản xuất tấm pin mặt trời quang điện, hàng điện tử và khuôn mẫu. "Các công ty logistic đang dõi theo các nhà sản xuất lớn hơn có ý định sang Việt Nam", Lim nói.
Hiện nay, việc vận chuyển chuỗi cung ứng, nguyên liệu thô, bán thành phẩm và thành phẩm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á chiếm khoảng 80% hoạt động kinh doanh của OTL. Năng lực hiện tại của OTL lên tới 500 xe tải và hơn 1.000 tài xế, cung cấp dịch vụ hậu cần tận nhà để giao nhận, vận chuyển, xử lý hàng hóa và kho bãi cho các công ty sản xuất Trung Quốc và các nhà máy mới được xây dựng tại 6 quốc gia ở Đông Nam Á: Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Lào và Campuchia. Khách hàng chính của OTL năm ngoái là các công ty sản xuất của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử chính xác công nghệ cao, quần áo và giày dép, tấm quang điện, màn hình di động,...
"Nếu hàng hóa được gửi vào lúc 6 giờ tối ngày thứ Hai từ Đông Quan, họ có thể đến biên giới Trung Quốc và Việt Nam lúc 9 giờ sáng thứ Ba, tại khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam lúc 10 giờ tối cùng ngày, tại khu công nghiệp ở Bangkok vào thứ năm và tại Bắc Malaysia vào thứ Sáu". Ông Lim hy vọng ngành logistic xuyên biên giới này sẽ tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm trong vài năm tới.
Ngay cả nếu như cuộc chiến thương mại kết thúc ngay ngày mai, các công ty hậu cần cũng không lo ngại rằng xu hướng này sẽ dừng lại.
"Chúng tôi bắt đầu kinh doanh dịch vụ hậu cần xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vào năm 2011, với khoảng 30 triệu CNY (4,34 triệu USD) doanh thu hàng năm tại thời điểm đó. Doanh thu của chúng tôi tăng lên 150 triệu CNY năm 2018. Mặc dù không ai biết kết quả cuối cùng của cuộc chiến thương mại, nhưng xu hướng di dời chắc chắn sẽ tăng. Hoàn toàn có khả năng ngành này sẽ tăng gấp đôi lên 300 triệu CNY trong năm nay", ông Huang dự báo.