Trở về từ Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 2-12 đối mặt cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng xuất phát từ phong trào "Áo ghi-lê vàng" phản đối tăng giá nhiên liệu.
Trước đó một ngày, nước Pháp chứng kiến những cuộc bạo động tồi tệ nhất trong 50 năm qua khi đám đông tước súng của cảnh sát và tấn công họ, đốt xe và các tòa nhà, đập phá cửa hàng… Các vụ bạo lực mới nhất đã làm 1 người thiệt mạng, 133 người bị thương (trong đó có 23 cảnh sát) và hơn 400 người bị bắt giữ. Cho đến giờ, làn sóng biểu tình đã nổ ra trong ngày cuối tuần thứ 3 liên tiếp, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.
Sau khi thị sát cảnh tượng hoang tàn tại đại lộ Champs-Élysées, ông Macron cam kết sẽ đưa những người bạo động ra trước công lý. Tuy nhiên, cũng để xoa dịu người biểu tình, nhà lãnh đạo này ra lệnh Thủ tướng Édouard Philippe gặp đại diện phong trào "Áo ghi-lê vàng" và thủ lĩnh các đảng đối lập, bắt đầu từ ngày 3-12. Ngoài ra, người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux cho biết đang cân nhắc áp đặt tình trạng khẩn cấp để ngăn bạo động tái diễn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai từ trái qua) thị sát nơi thiệt hại từ vụ bạo động ở thủ đô Paris cuối tuần rồi Ảnh: EPA
Theo báo The New York Times, phong trào "Áo ghi-lê vàng" dường như không có người đứng đầu và có thành phần chủ yếu là người dân lao động giận dữ trước chuyện tăng thuế nhiên liệu, chất lượng sống sụt giảm và đòi ông Macron từ chức. Ông Rémy Heitz, công tố viên Paris, cho biết những người bị bắt giữ chủ yếu là nam giới trong độ tuổi 30-40. Một số người trong số này thuộc hai phe cực hữu và cực tả.
Thách thức mà chính quyền ông Macron đang đối mặt là những phe phái khác nhau của phong trào đang có thêm những đòi hỏi khác nhau bên cạnh yêu cầu chung là chất lượng sống tốt hơn. Một số người giận dữ gọi các chính sách thuế của Paris là không công bằng, có lợi cho người giàu và không giúp ích gì cho người nghèo. Trong khi đó, nhiều người khác tập trung vào đòi hỏi tăng lương tối thiểu và giảm chi phí an sinh xã hội cùng các dịch vụ liên quan. Tình hình có thể xấu thêm bởi có nhiều người ủng hộ phong trào trên nhiều khả năng sẽ đổ ra đường biểu tình.
Ông Macron không ít lần tuyên bố sẽ không nhượng bộ các cuộc biểu tình mà rút lại những chính sách được ông quảng bá là giúp biến đổi và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng thất nghiệp hàng loạt và kinh tế tăng trưởng chậm trong nhiều thập kỷ qua.
"Ông Emmanuel Macron nghĩ rằng phong trào này sẽ suy yếu và bạo lực bùng phát sẽ khiến họ mất uy tín trong mắt dư luận" - nhà sử học Gérard Noiriel, nhận định. Dù vậy, ông Bernard Sananès, Chủ tịch tổ chức thăm dò Elabe, chỉ ra rằng cái khó của ông chủ Điện Élysée là "hiện tồn tại 2 nước Pháp, trong đó có một nước Pháp đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau và đi xuống về kinh tế - xã hội".
Sức ép đang tăng lên ông Macron trong việc lắng nghe và giải tỏa những lo ngại của người biểu tình. Nhiều cuộc thăm dò dư luận công bố tuần rồi cho thấy 70%-80% người Pháp đồng cảm với nhận định của phong trào "Áo ghi-lê vàng", theo đó chính quyền ông Macron chỉ tập trung đối phó biến đổi khí hậu bằng cách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hiệu quả và tăng thuế nhiên liệu.
Mục tiêu này bị xem là quá xa vời so với nỗi lo cơm áo gạo tiền của tầng lớp lao động. Không ít người trong số này buộc phải chuyển đến vùng ngoại ô của các thành phố lớn để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Điều này khiến họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào ôtô để đi làm và phục vụ những mục đích khác.
Vì thế, bất kỳ biện pháp tăng thuế nhiên liệu nào cũng tác động không nhỏ đến cuộc sống của người sống ở ngoại ô hoặc các ngôi làng nhỏ xa xôi. Giới chức Pháp đã đề xuất tăng hỗ trợ tiền mua xe tiết kiệm nhiên liệu và lắp đặt hệ thống sưởi ít gây ô nhiễm hơn nhưng phe biểu tình cho rằng như thế vẫn chưa đủ.