Những vị bô lão cao niên ở Vạn Yên, Vân Đồn không thể nhớ được cây cam canh Vân Đồn có từ khi nào. Họ chỉ nhớ khi còn bé, nhà nào cũng có vài cây cam được trồng sẵn trong vườn. Ít thì 5-7 cây, nhiều thì vài chục có nhà cả vài trăm cây.
“Đã rất nhiều người cố mang cam ở đây đi các vùng khác để nhân giống nhưng không đem lại kết quả. Cây thì chết sau vài ngày được trồng xuống, cây nào sống cũng chỉ cho vài quả khi đến vụ. Nhưng ở đây, cứ trồng xuống là tự lớn, đến vụ cứ gọi là vác gánh ra để hái” - Ông Vũ Đức Trọng, 62 tuổi, thôn Đài Làng, Xã Vạn Yên, Huyện Vân Đồn nói.
Ngày nay, với tên gọi chung là cam Vân Đồn nhưng thực chất giống cam này chỉ được trồng nhiều ở xã Vạn Yên. Theo số liệu của UBND huyện Vân Đồn, diện tích trồng cam của xã này lên đến hàng trăm héc ta, mỗi năm cho sản lượng trên 500 tấn và là sản phẩm nổi tiếng của Quảng Ninh.
Là một trong những hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để gây giống loại cam này, gia đình ông Vũ Đức Trọng hiện đang sở hữu hơn 4ha đất trồng cam tại thôn Đài Làng, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Điều đặc biệt, với loại cam này khi được trồng chính trên đất Vạn Yên sẽ không cần dùng đến thuốc trừ sâu hay bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào vì giống cam bản địa có sức kháng bệnh rất tốt.
“Không chỉ thơm ngon có hình thức đẹp, cam Vân Đồn còn là một vị thuốc quý. Từ xa xưa, người dân thường dùng lá cam nấu nước tắm để trị các bệnh ngoài da. Vỏ cam dùng để ăn khi đầy hơi, trướng bụng và còn là gia vị không thể thiếu khi kho với cá biển. Cam chín mọng thường dùng cho phụ nữ mang thai và sau khi sinh vì ăn cam da dẻ hồng hào và có nhiều sữa cho con bú” - Bà Nguyễn Thị Hà, một cao niên bản địa cho biết.
“Còn nhớ những ngày đầu chúng tôi thử nghiệm giống cây này thật sự rất vất vả, không phải dễ dàng để nhân rộng mô hình vì tại mỗi thửa đất sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng mới trồng được cây giống. Chính người dân bản địa đã ý thức được việc khôi phục lại giống cam quý này. Với những kỹ thuật chúng tôi phổ biến, bà con đã biết tự nhân giống, chăm sóc để cho ra những sản phẩm tốt nhất”, Ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn