Tăng trưởng kinh tế và kết quả hoàn thành các mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2017 đầy bất ngờ và có phần ngoạn mục khiến không ít người hy vọng vào một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam, hy vọng vào “một xã hội thịnh vượng” như được nhấn mạnh trong báo cáo Việt Nam 2035.
Dù vậy, nhìn vào xu hướng phát triển hiện nay, tôi thấy một viễn cảnh rất khác vào năm 2035.
Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Theo số liệu của WB năm 2014, Việt Nam đang đứng thứ 144/189 quốc gia về GDP bình quân đầu người, đứng thứ 94/155 quốc gia về chỉ số hạnh phúc. Tỷ lệ tội phạm nói chung đứng thứ 27/110 quốc gia.
10% dân số nghèo nhất chỉ được hưởng 2,59% GDP trong khi đó 10% dân số giàu nhất chiếm giữ tới 30% GDP, an sinh xã hội đứng thứ 51/89 quốc gia. Lao động trẻ em (11.6%) đứng thứ 50/90 quốc gia và là một trong những quốc gia có nhiều người di cư đến nước khác sinh sống nhất.
Bức tranh Việt Nam hiện tại không chỉ khiến tôi mà còn rất nhiều người có thể hoài nghi về khát vọng của Việt Nam trở thành “một quốc gia thịnh vượng” vào năm 2035.
TS. Phùng Đức Tùng- Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong
Để hiện thực hóa khát vọng, Báo cáo 2035 đã chỉ đưa ra 6 đột phá cần đạt được, bao gồm: (1) xây dựng được “một thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả”; (2) “Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao”; (3) “ Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo”; (4) “Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội”; (5) “Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”; (6) “Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa thành phố và các vùng phụ cận”.
6 đột phá này, đặt trong bối cảnh hiện tại, đối với Việt Nam thực sự không dễ dàng dù trong những năm gần đây, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong điều hành và quyết liệt trong việc cắt giảm bộ máy hành chính và ngân sách chi thường xuyên.
Bởi lẽ, trong thể chế hiện tại,vai trò, chức năng và quyền hạn của các bộ ngành, các cơ quan chính phủ chưa rõ ràng và còn nhiều chồng chéo. Việc tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước vẫn chưa được thực hiện một cách minh bạch, thiếu động lực thu hút người có năng lực tham gia vào điều hành, nhiều nhiệm vụ trách nhiệm từng cá nhân trong bộ máy chưa được cụ thể hóa.
Tình trạng này đã khiến cho bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh, năng suất lao động không tăng, thậm chí còn giảm, chi tiêu công ngày càng tăng nhưng chủ yếu phục vụ cho chi thường xuyên và rất kém hiệu quả. Việc áp dụng Chính phủ điện tử một cách đồng bộ trong điều hành và thực thi công việc hầu như chưa có tiến triển… khiến việc xây dựng được “một thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả” gặp nhiều khó khăn.
Tiếp theo, có thể thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế hiện tại chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI trong khi đó các doanh nghiệp trong nước còn thiếu sự kết nối và chưa học hỏi được công nghệ từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Mặc dù đã có những thay đổi nhất định ở khu vực kinh tế nhà nước thông qua việc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhưng hậu quả của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ để lại trong những năm qua vẫn chưa thể khắc phục được.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Hầu hết nguồn lực cho tăng trưởng đều được phân bổ cho khu vực kinh tế nhà nước khiến cho hiệu quả trên vốn đầu tư rất thấp và hệ số ICOR của Việt Nam ngày càng gia tăng. Khu vực kinh tế tư nhân tuy đã có những bước phát triển nhất định nhưng còn rất manh mún và chủ yếu ở qui mô siêu nhỏ. Các doanh nghiệp tư nhân lớn phần nhiều hoạt động trong các lĩnh vực mà hàm lượng công nghệ thấp như khai thác khoáng sản, bất động sản, hay sản xuất vật liệu xây dựng.
Chính phủ đã hành động quyết liệt trong việc cắt giảm các giấy phép con nhưng việc các chính sách thường xuyên thay đổi, chính sách thuế, phí ngày càng có xu hướng gia tăng để bù đắp thiếu hụt chi ngân sách…, khiến cho khu vực tư nhân khó phát triển và khó trở thành động lực chính của nền kinh tế, đồng thời đẩy rủi ro ngày một lên cao.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Với thực trạng hiện nay thì nhiệm vụ “hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao” là một thách thức vô cùng lớn.
Bất bình đẳng trong xã hội cũng là một vấn đề dẫn đến nguy cơ dẫn đến bất ổn trong xã hội khi mà cơ hội tiếp cận với các dịch vụ cơ bản có chất lượng ngày càng thu hẹp đối với nhóm yếu thế, cơ hội có việc làm bền vững không nhiều đối với lao động thiếu kỹ năng và người lao động không được bảo vệ.
Hệ thống chính sách thuế chưa hiệu quả và chưa thực sự đóng góp cho quá trình phân phối lại thu nhập. Các chương trình mục tiêu quốc gia đang bị cắt bỏ hoặc thu hẹp phạm vi và ngân sách dẫn đến các hỗ trợ cho người nghèo, nhóm yếu thế ngày càng ít đi. Chính vì vậy nhiệm vụ “Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội” cũng không phải dễ mà đạt được.
Ngoài ra, dù được biết đến là một dân tộc thông minh nhưng với hệ thống giáo dục khuôn mẫu và cứng nhắc, tính sáng tạo và đổi mới đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Vấn đề nhân sự trong ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn khi không thu hút, tuyển chọn được đội ngũ giáo viên chất lượng cao.
Một vấn đề khác cũng cần được bàn đến là các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hầu hết không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Đây là một sự lãng phí nguồn lực không nhỏ trong khi ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã rất thấp.
Việc không kiểm soát và lựa chọn công nghệ trong đầu tư các nhà máy sản xuất điện, ồ ạt phát triển thủy điện, yếu trong khâu giám sát và kiểm tra chất lượng xả thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp, qui hoạch manh mún, tài nguyên rừng kiệt quệ và ảnh hưởng của biến đổi khi hậu ngày càng gia tăng khiến trong 2 năm gần đây thiệt hại do thiên tai của Việt Nam rất lớn, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Đây là nguyên nhân các nhóm yếu thế mất sinh kế dẫn đến làn sóng di cư ra các đô thị ngày càng lớn, gây sức ép nên hạ tầng và xã hội ở các khu đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác các chiến lược ứng khó với biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường được thực thi một cách yếu ớt dẫn đến mục tiêu “phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” của Việt Nam rất thách thức.
Sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị cùng với việc thiếu qui hoạch đồng bộ và lợi ích nhóm đã dẫn đến các khu nhà ở, trung tâm thương mại được xây dựng tràn lan trong các thành phố lớn ở nhưng nơi mà hạ tầng không cho phép dẫn đến hạ tầng đô thị ngày càng quá tải,vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, chi phí xây dựng hạ tầng để ứng phó tăng cao và không hiệu quả.
Điều này khiến chất lượng cuộc sống ở các thành phố lớn của người dân ngày càng xấu đi mặc dù thu nhập có tăng lên. Hệ quả là phát sinh làn sóng di cư của các tri thức, người giàu ra nước ngoài, chảy máu tài nguyên.
Hiện trạng và xu hướng hiện nay thì cho dù có lạc quan đến mấy cũng khó ai có thể nói rằng vào năm 2035 Việt Nam có thể “nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa thành phố và các vùng phụ cận”.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Báo cáo Việt Nam 2035 đưa ra một viễn cảnh về một đất nước Việt Nam đầy tươi sáng “thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước”.
Tuy nhiên, điều này chỉ có được nếu như thực hiện thành công những mục tiêu không tưởng ở trên và nó phải được truyền cảm hứng và khát vọng đến từng công chức, doanh nhân và người dân.
Còn với những gì nhìn thấy tôi cho rằng Việt Nam năm 2035 sẽ giống như Indonesia, Philippines hoặc Mexico ngày nay. Tức không quá lạc quan như những gì mà người ta vẽ ra!