Hợp đồng EC là gì?
Luật Xây dựng hiện hành đã có những quy định về hợp đồng thiết kế - thi công (Engineering - Construction, gọi tắt là EC).
Đây là hình thức hợp đồng cho phép một nhà thầu thực hiện đồng thời hai hoạt động thiết kế và thi công xây dựng công trình dự án. Theo đó, tổng thầu EC ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc thiết kế và xây dựng, có thể lựa chọn các nhà thầu phụ tham gia thực hiện các phần công việc phù hợp để hoàn thành dự án.
Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp), tại Khoản 23 Điều 4 Luật Đấu thầu, các gói thầu EPC, EC, PC, EP là các gói thầu hỗn hợp, do đó gói thầu EC đã được pháp luật quy định và thực tế đang được áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021) về các loại hợp đồng xây dựng, thì hợp đồng EC và hợp đồng tổng thầu EC là hợp đồng việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
Khoản 2 Điều 9 Nghị định 37/2015/NĐ quy định căn cứ ký kết hợp đồng EC bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế FEED được duyệt.
Cụ thể, việc sử dụng gói thầu EC và căn cứ ký kết hợp đồng EC trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt được quy định rõ trong Luật Xây dựng”.
PGS.TS Dương Đăng Huệ cũng cho biết thêm, luật pháp về đấu thầu cho phép sử dụng thầu phụ đặc biệt để cùng với thầu chính làm những công việc chuyên môn như thiết kế. Thế giới, mô hình có nhà thầu tư vấn thiết kế đủ năng lực để tham gia làm nhà thầu phụ đặc biệt đã rất phổ biến trong xây dựng dân dụng, xây dựng các công trình giao thông. Đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Xác lập rõ trách nhiệm, tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu
Một loạt các dự án lớn và đặc biệt là đại công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 mang đến khối lượng công việc khổng lồ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Mô hình tổng thầu EC được đánh giá có tính logic cao, liên hoàn và đồng bộ, kỳ vọng sẽ khắc phục được những xung đột giữa thiết kế và thi công đã xảy ra, thúc đẩy tiến độ hoàn thành công trình
Kết quả triển khai dự án đã đạt được những tín hiệu tích cực ban đầu, song, thực tế triển khai thi công, tình trạng phát sinh so với thiết kế được duyệt vẫn xảy ra. Các bên phải mất thêm thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh liên quan, việc thi công kéo dài so với dự kiến.
Đáng nói, do hoạt động tư vấn thiết kế riêng rẽ với hoạt động thi công nên tính nhất quán trong cùng một công trình dự án chưa được đảm bảo. Khi xảy ra các lỗi hay vi phạm, việc phân định trách nhiệm của các nhà thầu trở nên khó khăn.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, chúng ta có 5 hình thức tổng thầu, gồm: Thiết kế; Thi công; Thiết kế (bước kỹ thuật) và thi công (EC); Tổng thầu thiết kế, cung ứng, thi công (EPC) và loại "chìa khóa trao tay" chỉ áp dụng công trình dân dụng vốn tư nhân hoặc FDI.
Theo ông Chủng, trong 5 hình thức trên, mô hình EC có tính logic cao, liên hoàn và đồng bộ kỳ vọng sẽ khắc phục được những xung đột giữa thiết kế và thi công đã xảy ra, thúc đẩy tiến độ hoàn thành công trình và kiểm soát được chất lượng thi công xây dựng.
Luật Xây dựng hiện hành đã có những quy định về hợp đồng thiết kế - thi công (EC). Đây là hình thức hợp đồng cho phép một nhà thầu thực hiện đồng thời hai hoạt động thiết kế và thi công xây dựng công trình dự án. Tổng thầu EC ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc thiết kế và xây dựng, có thể lựa chọn các nhà thầu phụ tham gia thực hiện các phần công việc phù hợp để hoàn thành dự án
“Áp dụng mô hình tổng thầu EC không chỉ giúp gói thầu tránh được tình trạng “xé nhỏ” mà còn xác lập rõ ràng trách nhiệm giữa các bên.
Thi công hầm Núi Vung trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Trong đó, tổng thầu là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện cho các giai đoạn thực hiện dự án từ thiết kế kỹ thuật, thi công và hoàn thiện đáp ứng chất lượng và tiến độ đề ra của dự án đã được phê duyệt; Chọn lựa các nhà thầu phụ đặt biệt đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện các công việc phức tạp và được chủ đầu tư thống nhất.
Nhờ có vai trò tổ chức quản trị điều hành dự án xuyên suốt từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật cho đến triển khai thi công xây lắp và xử lý các sự cố của tổng thầu EC, công tác quản lý dự án của chủ đầu tư do vậy cũng được giảm tải đáng kể.
Bên cạnh đó, dự án theo hình thức hợp đồng EC có thời gian triển khai được rút ngắn bởi các công tác thiết kế và xây dựng có thể thực hiện gối đầu nhau, thời gian và thủ tục hành chính phục vụ công tác lựa chọn nhà thầu được tiết giảm”, ông Chủng nói.
Nhận định thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong nước đủ lớn mạnh để đáp ứng vai trò tổng thầu EC, song, ông Chủng cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong áp dụng mô hình tổng thầu EC là chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể.
Hoàn thiện khung pháp lý để EC hoạt động hiệu quả
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, hình thức tổng thầu EC là phương án để Chính phủ và ngành GTVT có thể mạnh dạn triển khai trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, để mô hình này mang lại hiệu quả cần phải có những quy định rõ về tình huống tham gia đấu thầu, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, song, việc áp dụng hình thức tổng thầu EC cần có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn nữa để đảm bảo hiệu quả triển khai
Luật và các văn bản dưới luật về EC mới chỉ ở mức độ dẫn hướng mang tính chất khai mở, chưa đủ chi tiết trong thực tiễn và kiểm soát, xử lý những vấn đề phát sinh, đặc biệt là khi đưa vào triển khai các dự án lớn và phức tạp.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý để việc triển khai mô hình quản lý dự án giao thông được thuận lợi, hiệu quả.
“Trong đó, phải có chế tài cụ thể, thưởng xứng đáng nhà thầu làm tốt, phạt đủ mạnh với nhà thầu không hoàn thành khối lượng công việc được giao; Đồng thời, gắn trách nhiệm cụ thể với cơ quan chỉ định thầu”, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Theo ông Vân, thời gian tới, khung pháp lý cần được cập nhật để tạo ra hành lanh pháp lý phù hợp, đủ mạnh để có thể lượng hoá các công việc cho nhà đầu tư, nhà thầu. Vấn đề nữa là phải có chế tài cụ thể, làm tốt được thưởng và không hoàn thành công việc thì phải chịu phạt. Gắn trách nhiệm của cơ quan chỉ định thầu.
“Trường hợp mô hình tổng thầu EC được áp dụng vào thực tiễn, khâu lựa chọn tổng thầu cần được đánh giá khách quan để chọn được đơn vị hội tụ được năng lực toàn diện đáp ứng khả năng thiết kế, giàu kinh nghiệp trong thi công, tiềm lực tài chính đủ mạnh và giàu khát vọng cống hiến để đảm bảo tiến độ triển khai, hiệu quả đầu tư tư các dự án giao thông trọng điểm”, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị.
Trước đó, Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GTVT, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các nhà thầu không được đấu thầu xong rồi bán, tránh tình trạng gói thầu vi phạm thì không thấy nhà thầu ban đầu đâu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thay đổi tư duy, dự án lớn phải làm lớn, đơn vị nào đủ năng lực thì mời vào thực hiện, mời cả nhà thầu quốc tế. Các Ban quản lý dự án, nhà thầu cần xem xét lại, rút kinh nghiệm, không chia nhỏ dự án, để tránh tham nhũng, tiêu cực.
"Dự án cao tốc trị giá 5.000-10.000 tỷ đồng là bình thường. Dự án chỉ 10 km mà có 3 nhà thầu thì cần 3 thủ tục, 3 đơn vị tư vấn giám sát, 3 nhà thầu, gây khó khăn cho cả người đi kiểm tra", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu các dự án đã được phê duyệt thì phải triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm thì cần có cơ chế động viên, cổ vũ, khen thưởng đơn vị làm tốt; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo…/.
Các dự án đã thực hiện theo hình thức EC:
1. Gói thầu số 06: Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và toàn bộ phần thi công xây dựng (gói thầu hỗn hợp EC) thuộc Dự án: Xây dựng cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành (cầu vượt sông đường nối hai huyện Tiến Du – Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư.
Giá trị gói thầu là: 1.348.389.362.000 .
2. Gói thầu 01EC: Khảo sát, lập thiết kế BVTC – dự toán, thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị toàn bộ công trình, dự án Hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng xung quanh do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư.
Giá trị gói thầu là: 240.713.565.000 .
3. Gói thầu số 01EC: Khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán và thi công xây lắp toàn bộ công trình, công trình nút giao thông khác mức đường Hùng Vương – Quốc lộ 1 do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư.
Giá trị gói thầu là: 671.487.417.000 .
4. Dự án nâng cấp Quốc lộ 15 nối Hòa Bình – Thanh Hóa do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Giá trị gói thầu là: 1.051.000.000.000 .
5. Dự án cải tạo nâng cấp mặt đường và hệ thống tưới nước đường Chi Lăng, thành phố Tam Điệp, dự án do UBND Thành phố Tam Điệp – Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Giá trị gói thầu là: 63.000.000.000 .