Tại cuộc làm việc với Cục Hàng không Việt Nam mới đây về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng không trong dịch Covid-19, đại diện Vietnam Airlines đã nêu kiến nghị tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Áp giá sàn vì lo cạnh tranh không lành mạnh
Theo kiến nghị của Vietnam Airlines, mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: Chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ hoặc bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly.
Hành khách làm thủ tục check-in tại quầy của Vietnam Airlines . Ảnh: Vũ Tuấn
Trong đó, với cự ly dưới 500 km, nhóm địa bàn phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giữ nguyên giá trần, song áp giá sàn là 414.000 đồng hoặc 560.000 đồng (phương án 35% giá trần). Còn với nhóm địa bàn khác, giá sàn ở mức 414.000 đồng hoặc 595.000 đồng.
Giá trần hiện nay cho nhóm đường bay 500 - 850 km, giá trần 2,2 triệu đồng/vé được đề xuất tăng lên 2,25 triệu đồng/vé; 850 - 1.000 km từ 2,79 triệu đồng/vé lên 2,89 triệu đồng/vé; cự ly 1.000 - 1.280 km từ 3,2 triệu đồng/vé lên 3,4 triệu đồng/vé... Với các cự ly nêu trên, giá sàn được đề xuất lần lượt là 570.000 - 787.500 đồng/vé, 755.000 - hơn 1 triệu đồng/vé; 804.000 - 1.190.000 đồng/vé.
Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp hàng không, Vietnam Airlines cho biết kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, bảo đảm các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là để phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào.
Với việc áp giá sàn, thị trường hàng không sẽ không còn vé 0 đồng, vé siêu rẻ. Tuy vậy, đây không phải là đề xuất mới. Năm 2017, Vietnam Airlines từng đề xuất áp giá sàn từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/vé tùy theo chặng bay song sau đó Bộ Giao thông Vận tải quyết định không áp giá sàn.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, nhận xét đề xuất áp sàn giá vé máy bay cũng có thể là một giải pháp nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, trong bối cảnh các hãng đang cạnh tranh khốc liệt bằng giá. Thực tế, theo quy định mỗi chuyến bay có lượng vé khuyến mãi hoặc vé 0 đồng với số lượng nhất định sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý về thị trường, chứ không thể cả chuyến bay đều là vé rẻ, thấp hơn giá thành. "Một số hãng hàng không thời gian qua chủ yếu cạnh tranh bằng giá rẻ, đua nhau hạ giá để thu hút khách hàng, lấy thị phần. Một phần của hệ quả này là các công ty lữ hành đặt vé trước, vé sớm để xây dựng tour bán cho khách lại phải mua vé giá cao hơn so với những khách đi tự túc, mua vé máy bay sau đó. Thậm chí, vé mua sau lại rẻ hơn đã đặt trước đó nhiều tháng là không hợp lý" - ông Trần Văn Long phân tích. Do đó, áp giá sàn vé máy bay để các hãng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, ưu đãi cho hành khách bằng điểm thưởng, dịch vụ…, chứ không chỉ bằng giá vé.
Bất lợi cho người tiêu dùng
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng luật về giá quy định đối với những thị trường vẫn còn các doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%, tức là chưa có cạnh tranh thực sự nên nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn. "Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, còn DN muốn hạ giá như thế nào tùy DN, chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường" - ông Long nhấn mạnh.
Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cũng cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay là phi thị trường. Việc áp mức giá sàn sẽ khiến chi phí vé máy bay tăng lên, từ đó đẩy giá thành tour tăng theo… "Thực tế, mỗi hãng có phân khúc khách hàng, thị phần nhất định như dòng khách bình dân, trung cấp hoặc cao cấp. Các hãng có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ ưu tiên… thay vì đề xuất áp giá sàn vé máy bay để tạo lợi thế nghiêng về một vài hãng nhất định, ảnh hưởng đến quyền lợi và thiệt thòi cho khách hàng" - ông Từ Quý Thành nói.
Về nỗi lo DN phá giá, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết chỉ coi DN phá giá trong trường hợp bán thấp hơn chi phí và bị lỗ nhưng chấp nhận lỗ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh chứ không phải cứ bán thấp hơn là phá giá. "DN bán giá thấp hơn nhưng không lỗ thì không phải bán phá giá" - ông khẳng định. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, khi các DN hàng không gặp khó khăn do Covid-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa không khuyến khích cạnh tranh, vì một DN kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Riêng về đề xuất tăng giá trần, PGS-TS Ngô Trí Long bày tỏ sự ủng hộ. Bởi theo ông, giá trần là mức giá Nhà nước quy định, thay đổi theo yếu tố đầu vào. Đầu vào thay đổi thì giá trần cũng phải thay đổi theo. "Thời gian qua các hãng hàng không đã phải hủy rất nhiều chuyến bay mà vẫn phải nuôi dưỡng bộ máy khổng lồ, chi phí không những giảm mà còn tăng lên do phải chi cho phòng chống dịch bệnh, quy định giãn cách… Cho nên việc xem xét điều chỉnh giá trần để phù hợp với đầu vào, cơ quan chức năng cần xem xét. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cần ngồi lại để cân nhắc. Trong bối cảnh hiện nay có thể điều chỉnh tăng là hợp lý nhưng cần phải xem xét hết sức thận trọng"- PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá.
Khá nhạy cảm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines trong giai đoạn hiện nay, một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đây là vấn đề khá nhạy cảm. Cục luôn lắng nghe ý kiến của các DN, song hiện vẫn chưa có ý định gì về giá sàn vé máy bay.