Có nên “chia đôi” Luật Giao thông đường bộ?

18/10/2019 08:26
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chia tách Luật Giao thông đường bộ dễ gây chồng chéo và khó tạo sự giám sát trong thực thi.

Bộ Công an đang đề xuất xây dựng riêng Luật Trật tự ATGT trên cơ sở chia tách công tác đảm bảo trật tự ATGT và quản lý nhà nước về hạ tầng GTVT trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc này dễ gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và khó tạo sự giám sát trong thực thi. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN về vấn đề này.

Có nên “chia đôi” Luật Giao thông đường bộ? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Chồng chéo và phải sửa nhiều luật khác

Bộ Công an vừa đề xuất xây dựng riêng Luật Trật tự ATGT bằng việc tách bạch các hoạt động đầu tư xây dựng quản lý cơ sở hạ tầng với lĩnh vực bảo đảm ATGT. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Theo đề xuất của Bộ Công an, lực lượng CSGT sẽ có thêm nhiều quyền hạn, một số lĩnh vực thuộc Bộ GTVT quản lý như: Đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện và tổ chức giao thông sẽ do Bộ Công an quản lý. Bộ Công an cho rằng, một cơ quan không nên làm nhiều việc. Một việc chỉ nên giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm. Bộ Công an coi việc đảm bảo TTATGT chỉ là một việc cụ thể.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đảm bảo ATGT được Chính phủ xác định là nhiệm vụ quan trọng, tác động sâu rộng đến xã hội, nhiều đối tượng bị điều chỉnh. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành chứ không phải là việc cụ thể. Đảm bảo ATGT có rất nhiều việc, chỉ nói riêng về công tác tuyên truyền cần sự vào cuộc của các cơ quan, ngành, cấp, đoàn thể chính trị thực hiện. Do đó, đề xuất của Bộ Công an tách Luật GTĐB thành hai luật chưa đủ cơ sở thuyết phục.

Bộ Công an cho rằng, thực tiễn Luật GTĐB điều chỉnh hai lĩnh vực trong cùng một đạo luật dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đây là quan điểm không đúng. Chế định của luật có nhiều nội dung như: Quy tắc giao thông, chính sách phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng, định hướng tổ chức vận tải, phương tiện, người điều khiển phương tiện, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Với nhiều nội dung như vậy, Luật cũng đã phân công rõ công việc theo chức năng nhiệm vụ các Bộ, ngành, UBND các địa phương, không phải chỉ có hai Bộ là GTVT, Công an như cách hiểu của Bộ Công an.

Có nên “chia đôi” Luật Giao thông đường bộ? - Ảnh 2.
Năm 1995, khi xem xét chuyển công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm từ Bộ Công an sang Bộ GTVT, Quốc hội, Chính phủ khi đó đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định (Trong ảnh: Học lái xe tại Trường trung cấp nghề GTVT Hưng Yên). Ảnh: Tạ Tôn

Hiện các nước trên thế giới thực hiện công tác này như thế nào, có nước nào giao cho lực lượng công an thực hiện các nhiệm vụ trên không, thưa ông?

Bộ Công an có dẫn kinh nghiệm của một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có Luật riêng về ATGT. Còn nội dung về xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải có đạo luật riêng. Tuy nhiên, luật pháp mỗi nước quy định chức năng nhiệm vụ khác nhau. Trung Quốc, Thái Lan lực lượng CSGT lại do Bộ GTVT quản lý. Hay như Bộ GTVT Mỹ có hẳn một Cục chuyên quản lý về ATGT.

Mỗi nước có hệ thống luật pháp riêng. Trong khi đó, chúng ta phải căn cứ vào quy định luật pháp Việt Nam, quy định chức năng nhiệm vụ của từng Bộ theo các luật có liên quan và Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định. Nếu giờ theo hướng của Bộ Công an đề xuất phải sửa rất nhiều luật, trong đó phải điều chỉnh chức năng nhiệm vụ các bộ, ngành trong Luật tổ chức Chính phủ. Điều này không phù hợp với phân công chức năng nhiệm vụ của tổ chức hệ thống quản lý nhà nước hiện nay.

Vậy theo ông, nếu việc này được thực hiện nảy sinh việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Giả sử xảy ra tiêu cực ai sẽ là người điều tra, xử lý?

Thời gian qua, nhiều người người băn khoăn và đặt câu hỏi với tôi về vấn đề này. Lâu nay, trong hệ thống tổ chức quản lý nhà nước vẫn được thiết kế theo hướng cơ quan tổ chức thực hiện là bên hành pháp, còn bên tư pháp giám sát, kiểm tra, xử lý độc lập. Nếu theo đề xuất của Bộ Công an, giao thực hiện công tác đào tạo lái xe, đăng kiểm phương tiện... vai trò kiểm tra, giám sát, xử lý của Bộ Công an sẽ bị yếu đi. Khi đó sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự minh bạch.

Trong trường hợp ngành công an thực hiện cả việc đào tạo cấp bằng lái xe, đăng kiểm, vậy chúng ta cần đặt câu hỏi có nên tính toán chuyển hết việc cấp bằng đại học, cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy phép chống thuốc giả, để chống bằng giả, giấy tờ giả... để công an làm luôn không. Khi đó, việc của các bộ, ngành khác sẽ chuyển hết về để Bộ Công an làm?

Có nên “chia đôi” Luật Giao thông đường bộ? - Ảnh 3.
Đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm 19-01V kiểm tra hồ sơ, dữ liệu trực tuyến xe khách vào đăng kiểm định kỳ. Ảnh: Huy Lộc

Trong dự thảo báo cáo, đề nghị xây dựng Luật Trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an đề xuất luật mới sẽ tách khỏi Luật GTĐB 2008 đang thực thi 7 nhóm nội dung để đưa vào xây dựng Luật Trật tự ATGT gồm: Quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về đi đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT...

Nêu lý do đề xuất xây dựng luật mới, Bộ Công an cho rằng, Luật GTĐB năm 2008 chỉ phù hợp với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ, chưa có điều chỉnh chuyên sâu về trật tự, ATGT đường bộ. Trong khi đó, quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đang bị phân tán, chồng chéo, không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đặc biệt, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan GTVT với cơ quan CSGT chưa rõ ràng, rành mạch.

“Vì thế, xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm về trật tự, ATGT, không ngành nào chịu trách nhiệm chính”, Bộ Công an nêu và cho hay, hầu hết các nước trên thế giới lực lượng cảnh sát đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật ATGT.

Đi ngược xu thế chung?

Trước đây công tác đào tạo, sát hạch, lấy GPLX và đăng kiểm phương tiện do Bộ Công an đảm nhiệm nhưng do đây là lĩnh vực quản lý dân sự nên từ năm 1995 được Quốc hội, Chính phủ chuyển giao cho Bộ GTVT đảm nhiệm. Nay nếu các lĩnh vực này lại chuyển về cho Bộ Công an, là lực lượng vũ trang, thì có đi ngược với xu thế chung?

Xu hướng của thế giới là dân sự hóa các hoạt động quản lý nhà nước và chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang. Công an chỉ chuyên tâm tuần tra xử lý vi phạm, bảo vệ pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia. Việt Nam hiện cũng đang thực hiện theo hướng này. Như trên tôi đã nói, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành đã có sự phân công rõ ràng. Định hướng chung cũng sẽ tách chức năng hành pháp với tư pháp (tổ chức thực hiện và giám sát).

Năm 1995, khi xem xét chuyển công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm từ Bộ Công an sang Bộ GTVT, Quốc hội, Chính phủ khi đó đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định. Qua hơn 20 năm tiếp nhận, Bộ GTVT đã chỉ đạo quản lý nhà nước công tác này có bước tiến dài so với thời điểm nhận bàn giao.

Việt Nam đang thực hiện Chính phủ kiến tạo theo xu thế, việc gì tư nhân làm được thì nên xã hội hóa, để tư nhân làm. Thực tế, công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm cũng đang thực hiện rất có hiệu quả theo xu hướng này. Giả sử chuyển công tác đào tạo, sát hạch GPLX, đăng kiểm cho ngành Công an, ông có tin chất lượng sẽ tốt hơn?

Việc này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, quá trình trước mắt, lâu dài. Giả sử có chuyển sang ngành công an quản lý, tôi cũng chưa hình dung họ sẽ tổ chức thực hiện như thế nào vì đây mới chỉ là đề xuất.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, việc này sẽ không phù hợp với xu thế chung hiện nay và quan trọng là không phù hợp với luật pháp Việt Nam. Về mặt lâu dài, nếu lực lượng vũ trang quản lý công việc của dân sự sẽ không tạo cơ chế công khai, minh bạch để thúc đẩy đưa tiến bộ khoa học công nghệ trong đảm bảo ATGT. Đây cũng là dấu hỏi, chưa có đủ dữ liệu để nói. Chưa kể chắc chắn sẽ tăng chi phí, biên chế.

Hiện ngành GTVT quản lý theo hướng xã hội hóa, cái gì người dân doanh nghiệp làm được thì để doanh nghiệp, người dân làm. Nhà nước chỉ quản lý giám sát. Nếu chuyển sang lực lượng vũ trang quản lý nhưng chỉ riêng khâu sát hạch, cấp GPLX, cấp giấy chứng nhận an toàn bảo vệ môi trường, quản ý biển báo, tốc độ, điểm đen... sẽ cần bộ máy nhân lực lớn. Để đào tạo được đội ngũ có đủ chuyên môn tiếp nhận cũng là vấn đề khó, hệ số lương của lực lượng vũ trang cũng cao hơn, chắc chắn chi phí ngân sách sẽ tăng nhiều.

Cảm ơn ông!

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Không nên có thêm đạo luật trùng nhau

Theo tôi, một lĩnh vực không mới thì không nên ban hành đạo luật mới. Với một đạo luật đã có như Luật GTĐB thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung và không nên ban hành thêm đạo luật bởi nếu không sẽ dẫn đến câu chuyện chồng chéo, mâu thuẫn, phiền phức.

Trên thực tế chúng ta có quá nhiều luật, đến nỗi nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường từng nói rằng, bản thân ông cũng chưa đọc hết các luật! Nguyên tắc tư pháp là chỉ ban hành những luật mà trong xã hội có những vấn đề, những quan hệ xã hội mới mà chưa có quy định để điều chỉnh. Còn với những vấn đề đã cũ, không có gì mới thì không cần thiết phải xây dựng thành đạo luật riêng.

Văn Huế (Ghi)

Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
58 phút trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
54 phút trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
21 phút trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
1 phút trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Giá USD hôm nay 20/9: Bất ngờ tăng tỷ giá "chợ đen" lấy lại mốc 25.000 đồng
32 phút trước
Giá USD hôm nay 20/9: Trong nước, tỷ giá "chợ đen" bất ngờ tăng 65 đồng ở cả 2 chiều so với cùng thời điểm ngày hôm qua, lên mức 24.965 - 25.065 VND/USD. Trái lại, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại đồng loạt giảm.

Tin cùng chuyên mục

Gây sốt với mức giá chỉ 354 triệu đồng, "Honda City phiên bản SUV" có thêm bản đặc biệt
2 giờ trước
Thiết kế đẹp mắt, trang bị hiện đại và giá bán rẻ ngang Hyundai Grand i10, mẫu xe được mệnh danh là "Honda City phiên bản SUV" đang khiến thị trường dậy sóng.
Bộ 3 xe AION mới chốt ra mắt Việt Nam năm nay: Nhiều phân khúc, có xe cửa cánh chim, chạy xa nhất 770km/sạc
3 giờ trước
Y Plus, ES và Hyptec HT sẽ là những mẫu xe đầu tiên được AION đưa về Việt Nam từ tháng 10 tới cuối năm nay. Hệ thống trạm sạc vẫn đang là thách thức không nhỏ.
Các bản Hyundai Santa Fe 2024 quá tương đồng, khách sẽ bớt rối khi nhìn vào bảng so sánh này
1 ngày trước
Ngoại trừ phiên bản tiêu chuẩn, các phiên bản còn lại của Hyundai Santa Fe 2024 đều có sự tương đồng lớn về mặt trang bị.
Người dân vùng lũ lụt đang cần nhất những hàng hóa, vật dụng gì?
1 ngày trước
Từ sự giúp đỡ của các cơ quan, nhà hảo tâm, đời sống người dân vùng bão lũ, sạt lở đã cơ bản qua tình huống nguy cấp. Để tái thiết cuộc sống lâu dài, người dân vẫn cần rất nhiều nguồn lực khác nhau.