Sáng 20/3, trong khuôn khổ hợp tác với Dự án JICA, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm (GDBĐ) và định hướng hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, qua 20 năm hình thành và phát triển, khuôn khổ pháp luật về GDBĐ cơ bản được định hình với Bộ luật Dân sự (BLDS), Nghị định 163/2006/NĐ-CP cùng rất nhiều văn bản liên quan và lĩnh vực pháp luật này cũng được Nhật Bản phối hợp chặt chẽ trong suốt 20 năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cho rằng, nhiều quy định về GDBĐ, nay là biện pháp bảo đảm theo BLDS năm 2015, gặp khó khăn trong thực tiễn triển khai thi hành, đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời.
Theo bà Nguyễn Quang Hương Trà, Phó Trưởng phòng, Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ, BLDS 2015 đã bổ sung một số quyền mới về tài sản như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt mà hiện chưa có văn bản hướng dẫn cũng như cơ chế đăng ký dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Đề cập đến định hướng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 163, bà Trà cho rằng, một trong những điểm nghẽn là cơ chế xử lý tài sản bảo đảm được đề xuất hoàn thiện theo hướng tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm. Với một số loại hình tài sản mới được ghi nhận trong BLDS 2015, dự thảo Nghị định thay thế sẽ quy định nguyên tắc chung về việc mọi tài sản theo quy định tại Điều 105 của BLDS 2015 đều được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm giảm bớt e ngại của nhiều tổ chức tín dụng khi chưa dám nhận làm tài sản bảo đảm.
Đại diện Ngân hàng Techcombank cho biết, có vướng mắc lớn khi bên nhận bảo đảm không còn quyền tự thu giữ tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm. Khi ấy, các khoản vay có tài sản bảo đảm đang do bên bảo đảm hoặc bên thứ ba nắm giữ sẽ rất khó để xử lý tài sản. Còn bên vay/bên bảo đảm nắm được các quy định này sẽ cố tình gây khó khăn cho ngân hàng bằng cách không bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý.
Theo đó, vị này cũng cũng đề xuất trong dự thảo Nghị định thay thế sẽ hướng dẫn cơ chế đăng ký tài sản, quản lý tài sản, cơ chế giải quyết thông qua tố tụng và thi hành án để bên nhận tài sản bảo đảm có thể xử lý tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng, giảm chi phí cho các bên khi thu hồi nợ, tránh kéo dài công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
TS Nguyễn Bích Thảo (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đánh giá, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xử lý tài sản bảo đảm hiện nay thì thời gian xử lý sẽ kéo dài, các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm không được tôn trọng, thực hiện nghiêm túc.
Theo bà Thảo, cần mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế tự thu giữ tài sản bảo đảm không chỉ đối với các khoản nợ xấu như trong Nghị quyết 42 mà đối với tất cả các khoản vay có tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng.
“Việc cho phép tổ chức tín dụng được quyền tự thu giữ tài sản bảo đảm sẽ khắc phục bất cập trên, đồng thời cũng là giải pháp phù hợp với nguyên tắc trong pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại” – bà Thảo lý giải.