TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, nhận định cổ phiếu ngành ngân hàng thời gian qua, cũng như về bức tranh ngành cũng như cơ hội đầu tư vào cổ phiếu “vua” hiện nay.
Ông có nhận định gì về diễn biến cổ phiếu ngân hàng thời gian qua?
Tôi cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá mạnh. Trong thời gian gần đây cổ phiếu ngân hàng và dầu khí dẫn dắt thị trường, VN-Index đạt điểm lịch sử 1.170 điểm. Tôi thấy cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá một cách quá mạnh.
Thời gian qua, mặc dù ngành ngân hàng bộc lộ những cái thiếu sót, yếu kém trong hệ thống ngân hàng nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh, đây là điều có lẽ không hoàn toàn phù hợp với thị trường. Bởi với một tình trạng trong hệ thống ngân hàng có nhiều lỗi như thế thì đáng lý cổ phiếu ngân hàng bị tác động mạnh theo chiều đi xuống thì ngược lại cổ phiếu “vua” lại được xem dẫn đầu thị trường.
Liệu có phải việc tăng giá đến từ bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng tốt thời gian qua, thưa ông?
Đúng là nó cũng phản ảnh kết quả kinh doanh. Hệ thống ngân hàng 2017 chứng tỏ có mức lợi nhuận cao và phản ánh vào giá trị cổ phiếu và đưa giá trị cổ phiếu đi lên.
Nhưng có 2 điều nhà đầu tư nên nắm rõ. Thứ nhất, kết quả kinh doanh của ngân hàng trên sổ sách mà chúng ta biết có nhiều mảng chưa được rõ ràng, minh bạch. Chẳng hạn vấn đề nợ xấu, các khoản phải thu… Trên báo cáo tài chính lợi nhuận tăng lên là điều tốt nhưng chúng ta cần phải cẩn trọng để biết được rằng lợi nhuận trên sổ sách là lợi nhuận được tính toán và nó có những khoản phải có thể điều chỉnh để đưa đến lợi nhuận thực tế.
Lợi nhuận của các ngân hàng nếu theo sổ sách đẩy giá cổ phiếu lên thì có thể đã đẩy giá lên quá cao vì thực chất lợi nhuận của ngân hàng có thể thấp hơn sổ sách. Việc cổ phiếu ngân hàng lên nhanh thời gian gần đây là điều chúng ta nên rất quan tâm có thể nhìn nhận giá trị cổ phiếu ngân hàng một cách thực tế, chính xác hơn.
Ông có đánh giá gì triển vọng ngành ngân hàng?
Tôi đánh giá triển vọng ngành ngân hàng từ 2018 trở đi sẽ tốt hơn so với thời kỳ trước kia. Chúng ta thấy trong thời kỳ trước đây ngành ngân hàng có nhiều khó khăn, bộc lộ những điểm yếu. Cụ thể qua những vụ việc vừa rồi với những ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng và việc một số cựu lãnh đạo ngân hàng sai phạm vi phạm pháp luật, lợi dụng ngân hàng của mình để theo đuổi lợi ích riêng, có thể gọi là lợi ích nhóm. Gần đây là việc nhiều khách hàng của ngân hàng đã mất tiền.
Tất cả những điều đó chứng tỏ là trong quá khứ ngành ngân hàng có nhiều sơ hở, lỗ hổng về mặt quản lý, vận hành, quản trị rủi ro. Tất cả những bộc lộ đó đang được nhìn nhận nghiêm túc thông qua việc xử lý những ngân hàng vi phạm, cán bộ lãnh đạo tại tòa án. Đặc biệt Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm nay. Ngành ngân hàng sẽ trở nên trong sạch, minh bạch, vận hành tốt đẹp hơn. Nhất là Basel II áp dụng vài năm tới trong hệ thống ngân hàng và buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ, kiểm soát chặt chẽ quản lý rủi ro của mình. Từ đó tôi nhận định ngành ngân hàng sẽ có những triển vọng tốt về mặt quản lý rủi ro, về kinh doanh, lợi nhuận.
Vậy ông đánh giá rao sao về triển vọng cổ phiếu ngân hàng?
Bên cạnh cả thệ thống cũng như bản thân mỗi ngân hàng sẽ được cải thiện hoạt động nhưng giá trị cổ phiếu nó tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Trong đó có yếu tố nền kinh tế nội tại và thế giới.
Về kinh tế trong nước thì yếu tố vĩ mô chúng ta kiểm soát tốt, tăng trưởng toàn ngành kinh tế tốt thì cổ phiếu chung cũng như ngân hàng tốt. Thế giới nếu nền kinh tế ổn định, tăng trưởng thì tạo điều kiện cho cổ phiếu toàn cầu trong đó có cổ phiếu Việt Nam, cổ phiếu ngân hàng Việt tốt lên.
Thế nhưng ngược lại thế giới có những biến động như hiện nay trước lo ngại Mỹ và các quốc gia lớn có vướng vào chiến tranh thương mại hay không. Với khủng hoảng thương mại toàn cầu như thế nếu xảy ra thì Việt Nam khó có thể tránh khỏi ảnh hưởng. Việt Nam là nước xuất siêu nhiều vào Mỹ, mà Mỹ đang lên kế hoạch chặn nhập siêu từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Trong tương lai vấn đề thuế cho xuất khẩu nhôm, thép. Rồi hiện tại bán cá trên thị trường gặp vấn đề.
Nhận định của ông về việc nhiều cổ phiếu ngân hàng sắp lên sàn?
Quy định của Chính phủ thì tất cả các cổ phiếu phải niêm yết trên sàn chứng khoán , không lên sàn chính thức thì cũng phải lên sàn UpCOM, OTC. Đây là điều hết sức tích cực bởi vì cổ phiếu khi được niêm yết thì kéo theo vấn đề làm cho ngành ngân hàng minh bạch hơn. Tất cả BCTC của các ngân hàng sẽ được phổ biến, mọi người sẽ nhìn được hoạt động lợi nhuận cũng như tính thanh khoản…
Thứ hai nữa là giá cổ phiếu của tất cả các ngân hàng được minh bạch trên thị trường chứ không còn ở trong giai đoạn chỉ có một số ngân hàng mọi người biết đến, còn lại phải tìm hiểu mới biết.
Một số điều cần quan tâm là chúng ta không nên đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng theo kiểu ăn xổi. Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng phải là đầu tư dài hạn, dùng tiền của mình để đóng góp cho ngân hàng hỗ trợ ngân hàng kiếm lời, từ đó chính cổ phiếu của mình “sinh hoa nảy trái” và mình có lời cùng ngân hàng qua việc chia cổ tức.
Chứ còn nhảy vào ngân hàng để mua đi bán lại thì tại thời điểm này rất rủi ro vì ngưỡng 1.170 điểm đạt được chưa có gì đảm bảo luôn luôn duy trì ở mức này. Tình hình tài chính thế giới và trong nước có thể ảnh hưởng tới VN-Index và cổ phiếu ngành ngân hàng nữa. Thành ra mua đi bán lại là hoạt động khá rủi ro, các NĐT nên dùng tiền dài hạn để đầu tư dài hạn hơn.
Với mỗi ngân hàng nhà đầu tư phải tìm hiểu BCTC cập nhậtt nhất để xem ngân hàng có thực sự lành mạnh, có cơ hội phát triển ra sao. Đồng thời quan tâm đến tình hình thế giới vì đầu tư ở Việt Nam dựa nhiều vào khối ngoài. Như chúng ta biết dòng vốn này có thể nhanh chóng rút ra nếu thị trường thế giới có những khủng hoảng.
Xin cảm ơn ông!