Giá vàng tại Ấn Độ phiên trước khi kết thúc tuần qua (thứ Năm ngày 15/4) tăng lên 47.279 rupee/10 gram, mức cao nhất kể từ giữa tháng 2/2021. Các đại lý đã tính mức cộng so với giá tham chiếu quốc tế lên tới 4 USD/ounce trong tuần qua, so với mức 3 USD của tuần trước.
Như vậy, giá vàng tại Ấn Độ đã tăng khá mạnh so với mức 44.000 rupee/10 gr đầu tháng 4 này.
Các nhà sản xuất đồ kim hoàn Ấn Độ đã tích cực gom vàng vào, bất chấp nhu cầu bán lẻ vẫn còn yếu.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, chênh lệch giá vàng so với giá tham chiếu quốc tế lên tới +7 đến +9 USD/ounce. Tại Singapore, mức chênh lệch này là khoảng +1,8 USD/ounce; tại Hongkong là +0,50 đến +2 USD (cao hơn mức 0,50 đến +1,8 USD của tuần trước.
Dữ liệu từ Dubai cho thấy, giá vàng tại Dubai cũng đang tăng nhanh, theo đó vàng 24K hôm 18/4 đứng ở mức 215,25 dirham/gr, 22K 22K giá 202,25 Dh/gr, 21K giá 193 Dh/gr, và 18K giá ở 165,25 Dh/gr.
Trên các sàn London và New York, giá vàng tuần qua đã tăng tuần thứ 2 liên tiếp, thêm 2%, lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng.
Giá vàng vừa tăng 2 tuần liên tiếp
"Dường như giá vàng thỏi đã sẵn sàng tăng mạnh hơn nữa, hướng tới một lần nữa xác lập mốc 1.800 USD/ounce, tương đương mức trung bình của 100 ngày qua (1.804 USD). Phá vỡ được ngưỡng 1.804 USD thì vàng có thể tăng tiếp lên 1.830 USD/ounce", nhà phân tích Arun Leslie John của Công ty tài chính hàng đầu UAE, Century Financial cho biết. Ông dự đoán trong tuần tới giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 1.745 USD đến 1.830 USD.
Theo ông John: "Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm đang làm suy yếu đồng USD và từ đó đẩy giá các kim loại tính bằng USD tăng lên (trong đó có vàng)".
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích chính của ActivTrades, cho rằng giá vàng tăng chủ yếu là do lợi suất kho bạc Mỹ giảm và đồng bạc xanh suy yếu.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 1,6%, trong khi USD xuống mức thấp nhất 2 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt, làm thu hẹp mức lợi nhuận có được giữa 3 loại tài sản: Trái phiếu, USD và vàng.
Những lo ngại về lạm phát đang gia tăng trước các khoản hỗ trợ tài chính lớn và lãi suất cực thấp trên toàn cầu hỗ trợ cho kim loại này. Việc Mỹ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng góp phần đẩy giá vàng tăng lên.
Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường chính của AVATrade, cũng cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao trong một khoảng thời gian sắp tới, sau khi vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng hôm 16/4, bởi thi trường vàng hiện tại chưa rơi vào tình trạng mua quá mức.
"Giá vàng tăng chủ yếu không phải do các con số kinh tế mềm. Trên thực tế, vào thứ Năm (15/4), chúng ta thấy các dữ liệu kinh tế của Mỹ rất tốt. Lý do mà chúng ta đang thấy giá tăng là bởi giá vàng đã chịu quá nhiều áp lực giảm, bởi cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những động thái mạnh mẽ đối với chính sách tiền tệ khi kinh tế tăng tốc hồi phục", ông Aslam giải thích.
Thông tin Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu vàng càng thúc đẩy giá lên, bởi đây là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Một số nguồn tin cho biết, trong những tuần gần đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng trong nước và quốc tế được nhập khẩu một lượng lớn vàng thỏi. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 2/5 tổng nhu cầu vàng toàn cầu.
Tuy nhiên, Kotak Securities của Ấn Độ khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng bởi giá có thể sẽ sớm có sự điều chỉnh.
"Giá vàng tăng khi các quan chức Fed dường như đã thuyết phục được những nhà đầu tư trái phiếu rằng lãi suất có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài. Động lực cho giá vàng có vẻ vẫn khả quan. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố bất lợi cho giá vàng, nhất là sự lạc quan về nền kinh tế Mỹ ngày càng tăng lên", Kotak Securities viết trong thông báo gửi tới khách hàng.
Về mặt kỹ thuật, các nhà phân tích cho rằng, giá vàng đã tăng vợt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.760 USD, một tín hiệu tích cực cho các nhà giao dịch theo dõi các mô hình biểu đồ.
Ông Nish Bhatt, Người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Millwood Kane International cho rằng, các diễn biện hiện tại có thể đẩy giá vàng tăng hơn nữa trong ngắn hạn, cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Song sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, nỗi lo về làn sóng dịch bệnh tiếp theo có thể làm chệch hướng đi của giá vàng. Theo ông Nish Bhatt, hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên và giá vàng sẽ giảm đi.
Trên thực tế, mặc dù giá vàng ở Châu Á gần đây tăng lên, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục hồi tháng 8 năm ngoái.
Giá vàng tại Ấn Độ hiện đã giảm khoảng 9.000 rupee so với mức đỉnh cao 56.200 rupee tháng 8/2020. Giá vàng tại Ấn Độ phiên kết thúc tuần (thứ Sáu ngày 16/4), giá vàng giảm khỏi mức cao nhất 2 tháng, còn 47.000 rupee/10 gram, sau khi nhiều bang như Maharashtra, Delhi và Uttar Pradesh đã áp đặt các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và do nhu cầu từ người mua lẻ yếu đi do đại dịch.
Ở một số thị trường Châu Á khác, giá vàng cũng có dấu hiệu tăng chậm lại. Tại Trung Quốc, mức cộng giá vàng trong nước so với giá tham chiếu quốc tế tuần này giảm khoảng 1 USD/ounce so với mức +7 đến +10 USD tuần trước; tại Nhật Bản giảm khoảng 0,5 USD so với mức +0,5 đến + 1 USD/ounce tuần trước.
Tham khảo: Khaleejtimes, Livemint, Bloomberg