Cho phép nhập khẩu vàng vừa giúp doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất vàng trang sức vừa tăng cung cho thị trường, thu hẹp với giá vàng thế giới.
Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), xung quanh cách biệt quá lớn của giá vàng trong nước và thế giới.
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc thời gian qua giá vàng trong nước thường xuyên duy trì mức chênh lệch quá lớn so với thế giới?
Ông Huỳnh Trung Khánh |
Ông Huỳnh Trung Khánh: Đến chiều 16-3, giá vàng SJC, vàng trang sức 24K vẫn đang cao hơn thế giới tới 15,1% và 7,6%. Đây chắc chắn là điều không bình thường. Bởi ở một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia hay Trung Quốc, giá vàng nội địa biến động khá sát với thế giới. Nếu có chênh lệch cũng chỉ khoảng 1%-2%, chứ không lên tới hơn 10% như ở Việt Nam.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ khoảng 2% trở lên là có hiện tượng nhập lậu vàng. Do đó, với mức chênh lệch cao và kéo dài từ sau Tết nguyên đán đến nay thì việc gom USD trên thị trường tự do để nhập lậu vàng là khó tránh. Giá USD tự do cũng liên tục tăng cao hơn giá trong ngân hàng thời gian qua.
. Thực tế, thị trường vàng không còn những "cơn sốt", không còn đổ xô đi mua vàng nhưng giá vàng trong nước vẫn quá cao so với thế giới. Đâu là nguyên nhân của sự cách biệt lớn này?
- Từ năm 2020, giá vàng trong nước đã có sự chênh lệch với thế giới nhưng cách biệt không quá lớn như những tháng gần đây. Chênh lệch ngày càng lớn là do bất đối xứng trong cung - cầu, khi thị trường vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông. Nhiều năm qua, kể từ sau Nghị định 24 về quản lý vàng, không có doanh nghiệp (DN) nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước cũng không nhập khẩu vàng để Công ty SJC gia công vàng miếng SJC.
Việc vàng SJC neo quá cao cũng một phần nguyên nhân do các DN đã mua vào vàng giá cao giai đoạn trước, giờ không thể hạ theo thế giới, vì nếu giảm mạnh, người dân đổ xô mua thì DN sẽ không có nguồn cung, không mua lại được…
Thực tế, sau ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng giêng) đến nay, thị trường vàng gần như không có giao dịch vì nhà đầu tư và DN đều thấy cách biệt quá lớn, nhiều rủi ro. Người bán sợ giá vàng còn tăng nên không muốn bán, người mua thấy giá cao nên sợ rủi ro. Đây là thị trường không bình thường, giá vàng cũng không theo sát thực tế vì không có nguồn cung.
Nhiều năm qua, thị trường vàng không còn cảnh người dân đổ xô đi mua bán vàng để hưởng chênh lệch mà chủ yếu mua để cất giữ hoặc làm trang sức. Ảnh: Hoàng Triều |
. Nếu tình trạng này kéo dài, ai là người chịu thiệt?
- Chỉ có người dân có nhu cầu mua vàng chịu thiệt vì giá quá cao so với thế giới. Còn DN, họ mua giá cao nên phải bán cao; ở những thời điểm thị trường biến động, họ kéo giãn biên độ chênh lệch giá mua - bán để phòng ngừa rủi ro.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước không nên để tình trạng này kéo dài vì vàng trang sức và vàng tiền tệ là khác nhau. Vàng trang sức cần được xem như một mặt hàng thông thường, được phép xuất nhập khẩu trong sự kiểm soát, quản lý của cơ quan quản lý.
Nếu cứ để chênh lệch lớn như hiện nay sẽ kích thích việc nhập lậu vàng nhiều hơn, việc gom USD để nhập lậu vàng gia tăng càng làm méo mó thị trường và ảnh hưởng đến tỉ giá.
. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần làm gì đến chấm dứt sự bất thường này trên thị trường vàng?
- Chúng tôi đồng tình với chủ trương chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế của Chính phủ. Bởi chính sách này đã giúp ổn định được thị trường vàng, tiền tệ. Như dịp Thần Tài mấy năm nay, người dân chỉ mua vàng miếng, vàng trang sức để lấy may, không còn đổ xô đi mua bán để ăn chênh lệch giá như trước. Vì vậy đã đến lúc cần có chính sách quản lý vàng phù hợp hơn.
VGTA kiến nghị và đề xuất nhà nước xem xét lại loại vàng nào là hàng hóa đặc biệt hay có điều kiện. Như vàng miếng là hàng hóa đặc biệt mới cần kiểm soát chặt, còn vàng trang sức nên xem là hàng hóa có điều kiện và cho phép các DN được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, chế tác nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Chúng ta hiện có nguồn ngoại tệ dồi dào do xuất siêu và thặng dư thương mại ở mức kỷ lục. Dự trữ ngoại hối cũng khoảng 100 tỉ USD, hoàn toàn có đủ nguồn lực cho việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để tăng cung cho thị trường. Từ đó, rút ngắn chênh lệch với giá thế giới.
Để kiểm soát, cơ quan quản lý có thể cấp hạn ngạch nhập khẩu cho một số DN lớn dựa vào doanh số sản xuất, mua bán vàng trang sức hằng năm. Chẳng hạn, theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho một số DN lớn có sản xuất vàng trang sức chứng minh được sản lượng của mình và cho nhập, tương ứng với lượng vàng bán ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu. DN bán bao nhiêu vàng trang sức sẽ xin nhập bấy nhiêu, quản lý bằng giấy phép để sớm cân bằng, bình ổn thị trường.
Về lâu dài, cần có giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân, mà cơ quan quản lý từng nhìn nhận còn khoảng vài trăm tấn vàng, bằng cách lập một sàn giao dịch vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý.
Cuối ngày 16-3, giá vàng SJC được các DN giao dịch phổ biến quanh mức 55,28 triệu đồng/lượng mua vào, 55,68 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 20.000 đồng/lượng so với hôm trước nhưng vẫn cách biệt so với giá vàng thế giới tới 7,3 triệu đồng/lượng. Vàng trang sức 24K dù có giá thấp hơn, khoảng 52 triệu đồng/lượng bán ra nhưng vẫn cao hơn thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Tình trạng này đã kéo dài từ Tết nguyên đán đến nay. |
(Theo Người Lao Động)