Cùng pha với giá dầu thô thế giới, giá bán lẻ xăng dầu thành phầm tại các quốc gia trên thế giới liên tục lập các đỉnh mới từ đầu năm đến nay. Đối với Việt Nam, trong quý I/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ghi nhận chuỗi tăng giá liên tục với 6 lần tăng giá liên tiếp. Sau khi đạt đỉnh vào kỳ điều hành ngày 11/3, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành sau đó, cùng với diễn biến giảm chung của giá dầu thế giới.
Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo ước tính sẽ khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất từ 2 nhà máy lọc dầu khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3. Hiện nay, để chủ động trong công tác đảm bảo nguồn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu từ quý II/2022 cho thị trường nội địa sẽ không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng nhìn nhận, giá dầu sẽ còn rất nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022. Đến nay, giá dầu đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn giao dịch ở quanh vùng giá 100 USD/thùng là vùng giá cao nhất trong gần 1 thập kỷ.
“Từ đầu tháng 4/2022 thị trường đã chứng kiến những phiên giao dịch lên xuống thất thường với biên độ rộng của giá dầu. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ ngày càng trở nên khó dự báo hơn, cần có các công cụ để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu”, ông Phạm Quang Anh nói.
Ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường dầu toàn cầu của Sở giao dịch liên lục địa (ICE) khuyến nghị, hiện nay, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu quốc tế. Đối với các sản phẩm tinh chế, giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở ICE hay MXV.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Phạm Quang Anh chia sẻ, các công cụ bảo hiểm giá mà các DN kinh doanh xăng dầu trong nước có thể sử dụng là hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá. Với các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán, DN kinh doanh xăng dầu sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định, để thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn. Tùy vào diễn biến giá có lợi hay bất lợi sau đó, DN sẽ quyết định có thực hiện quyền trong hợp đồng hay không.
Không nên tham gia bảo hiểm giá xăng dầu
Thực tế thời gian qua, việc mua bán xăng dầu giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài đều thực hiện theo hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, do phương thức điều hành giá 10 ngày 1 lần khiến giá bán xăng dầu trong nước luôn có độ trễ so với giá xăng dầu thế giới. Tình trạng nhập xăng dầu với giá cao nhưng phải bán với giá thấp khiến nhiều DN kinh doanh xăng dầu ở vào cảnh “càng bán càng lỗ”.
Nhìn nhận tính tích cực của bảo hiểm giá xăng dầu, song ông Bùi Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về vấn đề này, dù đã được nhắc đến trong Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Muốn để DN sử dụng bảo hiểm giá xăng dầu, Bộ Tài chính, cơ quan thuế phải tách bạch giữa phòng vệ giá và hoạt động đầu tư của DN.
Không đồng tình với công cụ bảo hiểm giá xăng dầu, TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, hiện trên thế giới có rất ít quốc gia tham gia loại hình bảo hiểm này. Trên thực tế, bản thân việc mua bán xăng dầu thường được thực hiện theo hợp đồng kỳ hạn từ 3, 6, 9 tháng hoặc 1 năm, nên phải có kế hoạch từ trước với sự tính toán và dự trù của DN. Khi mua bán xăng dầu theo hợp đồng kỳ hạn trong đó đã có các chi phí rủi ro, chi phí phòng ngừa về giá.
Hơn nữa, việc cung ứng nguồn xăng dầu thường phải có kế hoạch dự trù trong khoảng thời gian dài, nếu bất ngờ thay đổi sẽ khiến cơ quan quản lý, điều hành rơi vào tình trạng bị động, DN phải thực hiện việc mua xăng dầu theo hợp đồng giao ngay với mức giá rất cao, kéo theo các chi phí liên quan rất lớn gây áp lực tăng giá xăng dầu.
TS. Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng, việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo cắt giảm sản lượng chỉ trước 1 tháng khiến việc dự trù mặt hàng xăng dầu trong nước rơi vào tình trạng bị động, thiếu hụt nguồn cung cục bộ là sai nguyên tắc. Quá trình mua bán xăng dầu theo hợp đồng kỳ hạn sẽ có các mức giá được ấn định trước. Nếu DN phán đoán và dự báo đúng, xăng dầu sẽ được mua với mức giá hời, giúp DN kinh doanh có lãi. Ngược lại, dự báo sai hay ký hợp đồng không đúng thời điểm sẽ dẫn DN đến cảnh “mua đắt bán rẻ”.
“Tham gia bảo hiểm giá xăng dầu tương lai là điều không cần thiết và không theo thông lệ quốc tế. Chỉ cần DN chọn đúng thời điểm lên kế hoạch nhập khẩu và ký hợp đồng dài hạn, các đối tác cung cấp sẽ có kế hoạch sản xuất, cung ứng và vận chuyển, từ đó thị trường xăng dầu trong nước hoàn toàn có thể chủ động về giá”, TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ./.