Gói hỗ trợ ở quy mô ra sao? Vì sao ở quy mô đó?
Đây là một câu hỏi đã được rất nhiều chuyên gia, các nhà quản lý nêu ra cùng các kiến giải. Song với các ý kiến được nêu tại Diễn đàn Kinh tế 2021 mới đây, rõ ràng không hề là một câu hỏi thừa. Và sự thận trọng của Quốc hội và Chính phủ trong việc xem xét gói hỗ trợ theo chương trình tổng thể là vô cùng cần thiết; dù rằng trước đó, đã có thông tin cho rằng theo dự thảo/ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gói hỗ trợ cho 2022-2023 có trị giá khoảng 800.000 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ theo đề xuất của TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu
Nhỉnh hơn con số trên, ở quy mô đề xuất 843.845 tỷ đồng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các chuyên gia, chi tiết hóa về gói hỗ trợ này với hỗ trợ tài chính, tiền tệ tập trung trong 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, các chính sách tài khóa khoảng 678.395 tỷ (8,34% GDP); các chính sách tiền tệ 65.000 tỷ (0,8% GDP) các chính sách an sinh xã hội 12.800 tỷ (0,16% GDP) và chính sách khác khoảng (37.650 tỷ).
Đây có lẽ là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất theo các đề xuất tính từ trước đến nay và được cụ thể hóa chi tiết từng khoản, đến từng "dấu phẩy" với cả các giá trị công bố lẫn giá trị thực tế. Theo đó, tổng giá trị thực tế của gói sẽ là 445.760 tỷ đồng tương đương 5,48% GDP, tức tương đương đạt 52,83% của tổng giá trị gói công bố.
Chuyên gia Bùi Quang Tuấn
Ngoài ý kiến này, nhiều đề xuất khác cũng gọi tên các gói hỗ trợ với các quy mô giá trị, các vùng ưu tiên khác nhau. Theo tính toán của chuyên gia Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, dự kiến quy mô gói hỗ trợ kinh tế giai đoạn 2022-2023 là 6-8% GDP 2020, khoảng 666.000 tỷ đồng. Trong đó, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp được chi tiết hóa 244.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo một chuyên gia, dù là ở con số nào thì một câu hỏi rất cần được lượng hóa là với từng quy mô (chẻ nhỏ) của các gói hỗ trợ đến các cơ cấu/ thành phần như an sinh, y tế, doanh nghiệp, kinh tế vùng… thì sẽ có tác động cụ thể như thế nào, thậm chí có thể vực dậy bao nhiêu doanh nghiệp, đóng góp được bao nhiêu vào tăng trưởng GDP ở 2022 và 2023?
"Chưa lượng hóa được vấn đề này thì đưa quy mô gói 8 tỷ USD, 10 tỷ USD hay 35 tỷ USD..., ở mức 6% GDP hay 10% GDP hay gấp đôi (chưa bao gồm phần đã và đang được triển khai được hỗ trợ theo công bố) đều chưa là sự đánh giá đủ. Chưa kể, cũng rất cần phải đặt quy mô các gói hỗ trợ dự kiến vào trong các kịch bản lạm phát và tăng trưởng kinh tế khác nhau, dù rằng lạm phát là kỳ vọng và chúng ta khó có thể đặt ra dự báo trùng khít".
Câu chuyện của "tiền đâu"?
TS Trương Văn Phước
Từ quy mô gói hỗ trợ đến việc lượng hóa tác động gói hỗ trợ, chuyên gia cũng cho rằng cần quay trở về câu hỏi đầu tiên là "tiền đâu". Đây cũng là vấn đề được TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đặt ra trong thảo luận của Diễn đàn Kinh tế 2021. Vị Tiến sĩ đưa ra lời giải đáp của mình; Trong đó, đáng chú ý là theo ông, "với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI < 2%, lạm phát cơ bản < 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021 thì có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn,... Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống".
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đề xuất Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp) nhưng bình quân dưới mức 4% là được".
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. HCM, ông có quan điểm khác. Ông cho rằng "khái niệm lạm phát , vốn trong đó đã hàm chứa yếu tố kỳ vọng, nghĩa là phản ánh suy nghĩ, sự mong đợi của công chúng, thị trường và nền kinh tế đối với mặt bằng giá cả trong tương lai chứ không phải nói đến lạm phát đã xảy ra trong quá khứ. Lạm phát quá khứ, cũng được tiếp cận như "chi phí chìm" trong tài chính, không còn ý nghĩa và cũng không được tính toán vào các giá trị sẽ hình thành trong tương lai. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào dữ liệu CPI đến tháng 10 năm nay để nói rằng lạm phát còn thấp và đừng quá lo ngại (như TS Trương Văn Phước nêu trên - BT) thì rất thiếu chuẩn xác. Lạm phát là một hàm số của những yếu tố kỳ vọng, của những tác động tương lai, hình thành từ hiện tại". Nói như vậy, có nghĩa theo ông việc chuẩn bị cho chương trình hỗ trợ là cần thiết nhưng "dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều để thực hiện một chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô lớn. Nếu cố thúc đẩy, hiệu quả chưa thể chắc chắn nhưng rủi ro bất ổn vĩ mô thì khá rõ ràng".
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Trong một bài viết phân tích sâu về chương trình hỗ trợ, P.GS,TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng nêu: "Về quy mô gói hỗ trợ (quy ra tiền), có hai điểm cần lưu ý. Một là Chính phủ phải giải thích được vì sao chương trình hỗ trợ lại có quy mô đó. Hai là năng lực tài chính quốc gia còn đủ dư địa cho quy mô đó không. Chúng ta biết rằng ngân sách đã hao tốn quá nhiều trong 2 năm qua để thực hiện chiến lược "Zero Covid". Do đó, chương trình hỗ trợ mới không nên tạo ra thêm một gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của ngân khố quốc gia".
Theo ông, "nếu Chính phủ cố ép lãi suất và tăng bơm tiền ra nền kinh tế, tiền chưa chắc đến được khu vực sản xuất mà nhiều khả năng sẽ chảy sang các kênh đầu cơ và tạo nên bong bóng giá tài sản. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, nền kinh tế sau 2 năm dịch bệnh đã kiệt quệ, không đủ sức để hấp thụ một lượng vốn khổng lồ. Càng bơm tiền mạnh, bong bóng giá tài sản càng phình to, đe dọa tới sự ổn định vĩ mô. Đây là vết xe đổ mà Việt Nam đã gặp phải hơn mười năm trước"…
Một quan điểm khác của TS. Trương Văn Phước về việc nên để Ngân hàng Nhà nước triển khai mua trái phiếu Chính phủ "vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng" cũng gặp quan điểm trái chiều. Có chuyên gia cho rằng điều này sẽ dẫn đến một chương trình "nới lỏng định lượng phiên bản Việt" như gói QE của Mỹ hay nói cách khác, là in và bơm tiền trực tiếp, xin in tiền để chi tiêu. Trên thực tế, NHNN hiện vẫn đang mua trái phiếu Chính phủ một cách gián tiếp và sử dụng nghiệp vụ repo để mua đi bán lại với các TCTD nhằm điều tiết thanh khoản trong hệ thống. Việc áp dụng kinh nghiệm của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới (với sức khỏe và sức mạnh tài chính, đặc thù kinh tế, hệ thống tiền tệ có phần khác Việt Nam) để áp vào hoạt động chưa có tiền lệ cho Việt Nam, trong bối cảnh chính NHNN luôn canh chừng "bóng ma" lạm phát quá khứ đang nguy cơ trở lại, vì vậy, có thể sẽ khiến rủi ro của nền kinh tế, của hệ thống tiền tệ tăng lên.
Ngoài ra, vẫn liên quan đến gói hỗ trợ và câu hỏi nguồn lực, một chuyên gia nêu quan điểm rất cần cân nhắc về câu chuyện "huy động vốn trong dân", đặc biệt là những kế hoạch huy động vàng hay huy động ngoại tệ, bởi cũng trên thực tế, mong muốn huy động nguồn lực vàng trong dân không phải đến bây giờ mới khởi phát nhưng sau nhiều năm lại vẫn chưa có một kế hoạch hành động nào cụ thể, cho thấy có thể hiệu quả…. "Cân nhắc là để có những giải pháp phù hợp trong bối cảnh mà mọi thành phần kinh tế vẫn ngóng gói hỗ trợ theo chương trình kích thích phục hồi sớm được triển khai. Việc đánh giá đầy đủ và triển khai sớm ngày nào, giá trị của gói hỗ trợ sẽ gia tăng thêm ngày đó", chuyên gia nói.