Gia sản biến thành… bảo hiểm nhân thọ
Cầm trên tay 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu Tư của Manulife, bà Nguyễn Thị Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghẹn lời: Toàn bộ tiền tiết kiệm của vợ chồng bà bị nhân viên ngân hàng chuyển sang “mua” BHNT. Bà Liên kể lại, năm 2021, khi tất toán sổ tiết kiệm 1,04 tỷ đồng, nhân viên tư vấn của ngân hàng tên Loan giới thiệu có sản phẩm mới tên Tâm An Đầu tư lãi suất cao hơn tiết kiệm, trung bình 9,5% và có thời điểm lên tới 15-17%. Tôi đồng ý sử dụng sản phẩm này.
Người dân đến báo Tiền Phong cầu cứu vì tiền tiết kiệm bị chuyển thành bảo hiểm nhân thọ.
“Sau 12 tháng, nhân viên gọi điện yêu cầu đóng phí bảo hiểm, tôi mới tá hỏa: Toàn bộ tiền tiết kiệm bị chuyển thành mua BHNT. Sau đó, tôi gửi đơn khiếu nại và công ty bảo hiểm Manulife trả lời, tôi chỉ rút được 24% số tiền đã đóng. Đây là toàn bộ tiền tích cóp, dành dụm cả đời của vợ chồng tôi. Cũng là số tiền chúng tôi lo mua đất xây mồ mả lúc qua đời, nhưng đến nay không còn gì cả. Những năm cuối đời, chúng tôi không biết sống bằng gì”, bà Liên nói.
Không chỉ bà Liên, nhiều người dân khi đi tất toán tiết kiệm được chào mời chuyển sang mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/năm. Bà Phạm Thị Duyên (Đê La Thành, Hà Nội) có tổng số 300 triệu đồng gửi tiết kiệm. Khi tới ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm, bà Duyên bị nhân viên tư vấn chuyển sang mua bảo hiểm Tâm An Đầu Tư. Do bị bệnh nền nên tên người thụ hưởng được nhân viên hướng dẫn chuyển sang tên con gái Nguyễn Phương Thảo. Tại thời điểm này, bà Duyên sống bằng lương hưu (gần 5 triệu đồng/tháng), con gái là sinh viên nhưng nhân viên tự ý khai trong đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ thu nhập của mỗi người lên tới 50 triệu đồng/tháng.
“Chồng tôi là thương binh hạng A, thương tật 2/8. Mấy chục năm nay, ông ấy sống chung với cánh tay thương tật, tổn thương thần kinh. Gia đình không có nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu. Số tiền tiết kiệm này để gia đình trang trải cho chồng tôi trong quá trình điều trị ung thư nhưng nay bị chuyển sang bảo hiểm, khiến cả nhà khốn đốn”, bà Duyên kể.
Bà Duyên, bà Liên là một trong số hơn 50 người dân gửi tiết kiệm bị chuyển gần 10 tỷ đồng sang mua bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu tư gửi đơn cầu cứu đến báo Tiền Phong. Người dân cho biết, họ bị tư vấn sai lệch, không có nhu cầu mua bảo hiểm là nhân thọ; Thông tin tại đơn yêu cầu bảo hiểm là do nhân viên tự ý kê khai, kể cả mức thu nhập hằng tháng, tình trạng sức khỏe. Dù ròng rã gửi đơn khiếu nại tới Manulife nhưng đến nay người dân vẫn chưa được đơn vị này trả lời thỏa đáng. PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với đại diện Manulife nhưng không nhận được trả lời.
Được biết, người dân đã gửi đơn khiếu nại tới Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Nhà nước đề nghị vào cuộc bảo vệ người dân khi họ bị “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành khoản mua bảo hiểm nhân thọ. Một cán bộ Cục Quản lý. Giám sát bảo hiểm chia sẻ: Ngân hàng Nhà nước đã tham gia giám sát, Bộ Tài chính đang kiểm tra vấn đề này. Thời gian tới, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm sẽ có biện pháp kiểm tra, quy định chặt trường hợp bán bảo hiểm tại ngân hàng. Khi nhận được phản ánh của người dân, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra.
Ngân hàng bán bảo hiểm sẽ phải ghi âm cuộc tư vấn
Trước những hạn chế của kênh bán bảo hiểm tại ngân hàng, tại dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất quy định ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng. Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung, cung cấp thông tin và tư vấn (của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.
“Doanh nghiệp bảo hiểm phải: Kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan việc tư vấn của nhân viên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có)”, dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cho biết, hình thức ghi âm tư vấn nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng. Đề xuất ghi âm cuộc tư vấn để ngân hàng - đơn vị bán bảo hiểm có trách nhiệm với khách hàng. Sau quá trình lấy ý kiến, cục sẽ tổng hợp giải trình trước khi ban hành nghị định.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, doanh nghiệp bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng nảy sinh vấn đề tiêu cực. Tiêu biểu như một số nhân viên ngân hàng tư vấn gây hiểu nhầm cho khách hàng về việc mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất quy định ghi âm tư vấn bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, VCCI đề xuất, Bộ Tài chính quy định rõ hơn. Việc ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm cần quy định cụ thể ghi âm khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email sẽ được thực hiện như thế nào…
Theo Luật sư Lê Văn Minh, Đoàn Luật sư TPHCM căn cứ điều khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm (gồm khoản 1, khoản 3 điều 22, điểm (g) khoản 1 và khoản 2 điều 25), hợp đồng bảo hiểm của người dân bị tư vấn sai lệch thông tin được xem như vô hiệu.