Tối 10/7, cầu thủ Lương Xuân Trường có mặt tại Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 6 gọi vốn cho Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC. Trong đó Lương Xuân Trường là đồng sáng lập, Nguyễn Việt Hùng là đồng sáng lập và điều hành của trung tâm. Hai nhà đồng sáng lập IRC kêu gọi đầu tư 3,5 tỷ cho 5% cổ phần, tức định giá 70 tỷ đồng.
Dự án IRC được khởi động vào tháng 5/2020. Sau quá trình đào tạo, đến tháng 3/2021, IRC chính thức khai trương. Tính đến hết tháng 4/2022, IRC đã phục vụ 341 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ.
Nhà điều hành IRC thẳng thắn chia sẻ, ở thời điểm hiện tại IRC đang lỗ bởi vì sau khi khai trương, trung tâm mất gần 6 tháng "tê liệt", không có doanh thu vì giãn cách xã hội.
Việt Hùng cho biết hiện IRC đang thuê văn phòng ở Hà Nội với 2 mặt sàn, diện tích mỗi mặt sàn khoảng 125m2. IRC đang có 6 nhân viên làm chuyên môn, có thể phục vụ tối đa 30 lượt khách trong 1 ngày. IRC hiện có 3 cổ đông và đã góp vốn 6,64 tỷ.
Chia sẻ về lý do thành lập IRC, Lương Xuân Trường cho biết trong suốt thời gian từ thuở còn niên thiếu đến khi trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, anh đã phải chứng kiến nhiều chấn thương nặng của những người đồng đội, người đồng nghiệp trong bóng đá hay kể cả những vận động viên của các bộ môn thể thao khác.
Theo nam tiền vệ, có rất nhiều trường hợp những vận động viên ở các bộ môn khác đã phải tạm dừng sự nghiệp và có những người đã phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. “Và em chắc chắn không có gì tồi tệ hơn việc mình có đam mê nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn nữa”, anh cho biết.
IRC hướng tới phục hồi chức năng chấn thương thể thao một cách toàn diện với 4 sản phẩm chính, bao gồm: phục hồi chấn thương và các bệnh lý liên quan đến cơ, xương, khớp; phòng tránh chấn thương; dinh dưỡng; giải quyết vấn đề liên quan đến tâm lý. Hiện nay, trung tâm này đã vận hành 2 sản phẩm là phục hồi chấn thương và phòng tránh chấn thương.
Về chất lượng chuyên môn dịch vụ, IRC hiện đang thuê chuyên gia y học thể thao nước ngoài. Sản phẩm của IRC không chỉ hướng tới những người chơi thể thao chuyên nghiệp mà còn cả những người chơi thể thao phong trào và những người có bệnh lý về cơ, xương, khớp thuộc phân khúc trung cấp.
Tùy vào chỉ định của bác sĩ cho từng loại chấn thương và mong muốn của khách hàng mà thời gian điều trị sẽ khác nhau. Nếu điều trị mỗi ngày 1,5 tiếng, khoảng 22 buổi một tháng thì chi phí điều trị rơi vào khoảng từ 26 – 30 triệu.
Shark Bình và Shark Linh muốn làm rõ sự khác biệt của IRC so với các trung tâm khác. Lương Xuân Trường lý giải sự khác biệt ở đây chính là các chuyên gia y học thể thao ở IRC về mặt chuyên môn, các giáo án, giáo trình phục hồi chấn thương. Xuân Trường chia sẻ: “Bản thân em trực tiếp trải nghiệm với các chuyên gia đó ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là những chuyên gia mà em trực tiếp trải nghiệm và em muốn mời những chuyên gia đó về Việt Nam để đào tạo lại cho các bạn".
Shark Hưng đánh giá đây chính là điểm mạnh của IRC khi Lương Xuân Trường. “Bản thân em đã là một KOL, một KOC rồi. Em đầu tư vào một trung tâm chuyên về vấn đề vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho thể thao là một lợi thế về marketing”, Shark Hưng phân tích lợi thế của IRC từ góc độ kinh doanh.
Bất ngờ, Shark Liên rút Golden Ticket (vé vàng) trị giá 100 triệu để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Shark Phú cũng lấy ra Golden Ticket trị giá 200 triệu để đàm phán với IRC.
Muốn thương thảo riêng với startup, Shark Liên nâng giá trị của Golden Ticket lên 500 triệu: Hôm nay chị với Phú chơi đến cùng".
Nữ doanh nhân cho biết có thể giúp startup kết nối với các chuyên gia đầu ngành ở Mỹ và Đức để đưa bác sĩ của trung tâm ra nước ngoài đào tạo hoặc đưa chuyên gia quốc tế về huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, bà có thể giúp IRC về mặt bằng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác. Do đó, Shark Liên đề nghị đầu tư 3,5 tỷ cho 25% cổ phần với lý giải: "Các em chưa có gì cả. Thực sự là chị đầu tư vào con người. Chị muốn đi đường dài, phát triển bền vững với các em”.
Việt Hùng cho biết tỷ lệ phần trăm đó quá cao so với startup. IRC muốn mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh nên cũng muốn chia sẻ cổ phần cho các chuyên gia, những người làm chuyên môn để có thể cùng đi đường dài. Do đó, anh đưa ra đề nghị chia sẻ 15% cổ phần với số tiền 7 tỷ.
Tuy nhiên, Shark Liên chưa đồng thuận với con số này. Shark Liên đưa ra các lý lẽ để thuyết phục startup như sẵn sàng cho vay nếu startup cần thêm vốn, có hệ sinh thái bảo hiểm để gia tăng giá trị cho khách hàng.
Đáp lại, hai nhà đồng sáng lập cho biết hai anh tự tin về mặt tài chính ở thời điểm hiện tại và kiên định với mức đề nghị đầu tư của mình.
Sau một hồi thương thảo, Shark Liên đồng ý đầu tư cho IRC 7 tỷ cho 15% cổ phần, tức định giá pre-money (trước gọi vốn) khoảng 40 tỷ đồng và sau gọi vốn là gần 47 tỷ đồng, tương đương 2 triệu USD.