Phát biểu Hội thảo “Cơ chế Kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, góp phần phòng chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp hoàn thiện” sáng ngày 11.4, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành 3 cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến KTNN trong việc tham gia kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng.
Thời gian vừa qua, KTNN đã góp phần phát hiện, chuyển các cơ quan chức năng xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực trên. Thế nhưng có một số ý kiến yêu cầu KTNN dừng lại. Ông Thăng đặt câu hỏi về việc “liệu có nhóm quyền lực, lợi ích nhóm nào tác động bảo KTNN không được làm?”
Cũng theo ông Thăng, hiện nay có nhiều chính sách tác động đến hoạt động của KTNN khiến kiểm toán khó thực hiện được nhiệm vụ của mình. Lấy ví dụ như việc KTNN không được tiếp cận với hệ thống thông tin quốc gia.
“Trong thời đại 4.0 mà cứ dùng công cụ thủ công thì làm sao làm được? Quốc hội yêu cầu KTNN phải đưa ra số liệu chính xác, song một năm hàng nghìn tỉ nghiệp vụ tài chính công phát sinh, trong khi đó, chúng tôi chỉ được dùng công cụ thủ công để làm thì làm sao KTNN trả lời được với Quốc hội? Cuối cùng chỉ có thể trả lời Quốc hội: “Chúng tôi chưa thể xác định được số liệu đúng”, ông Thăng nêu quan điểm.
Ông Thăng cũng cho biết, KTNN thường xuyên chịu những tác động quyền lực từ bên ngoài như việc can thiệp vào hoạt động kiểm toán hoặc tung tin đồn nhảm về kiểm toán viên của KTNN.
“Khi kiểm toán viên làm mạnh một đơn vị nào đó thì nhận được phản hồi là kiểm toán viên nhũng nhiễu. Thậm chí nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc này nhưng khi thanh tra kiểm tra lại không hề có chuyện đó.
Vậy tôi đặt câu hỏi, liệu ai còn dám xông lên mặt trận này? Kiểm toán viên cũng là người, trước những thế lực tác động bên ngoài, ai bảo vệ đội ngũ này, bảo vệ như thế nào khi các thế lực chống đối lại?”, ông Thắng đặt câu hỏi.
Bên cạnh những yếu tố khách quan, ông Thăng cũng nhìn nhận, bản thân cơ quan KTNN cũng cần ngăn chặn tham nhũng từ bên trong như các hành vi nhận hối lộ, làm thiếu trách nhiệm, xuê xoa, đồng phạm, thỏa hiệp với những thế lực bên ngoài vì mục tiêu cá nhân.
Tinh thần, thái độ, trách nhiệm của kiểm toán viên còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kiểm toán. Trình độ năng lực về pháp luật, nhất là việc cập nhật các văn bản pháp luật mới của một số công chức, kiểm toán viên của KTNN còn hạn chế.
Ông Thăng cũng kiến nghị các giải pháp: tăng cường công tác công khai minh bạch trong vấn đề kiểm toán. Đây là giải pháp để xã hội, truyền thông, nhân dân giám sát; Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, đủ năng lực trình độ chuyên môn; Hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ đội ngũ kiểm toán viên, cũng như răn đe xử lý các kiểm toán viên vi phạm.