Ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2229/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco 2).
Genco2 sẽ được cổ phần hóa theo hình thức bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có. Trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đại diện Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), EVN, EVN Genco 2 nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm triển khai phương án cổ phần hóa EVN Genco 2 bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và lợi ích Nhà nước.
CMSC sẽ chịu trách nhiệm quyết định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, phương thức bán cổ phần, giá khởi điểm và các nội dung liên quan khác theo đúng quy định; chỉ đạo tổ chức thực hiện và hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu EVN Genco 2 theo đúng thời hạn quy định.
Thời điểm thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO) của công ty mẹ EVN Genco 2 không muộn hơn ngày 17/2/2021, mà không phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp.
Sở hữu nhiều công ty hiệu quả
Genco 2 đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2013, thuộc sở hữu 100% của EVN. Đây là tổng công ty phát điện thứ 4 cổ phần hóa sau Tổng công ty Điện lực TKV ( HNX: DTK ); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW ) và Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3, UPCOM: PGV ).
|
So sánh quy mô hoạt động và lợi nhuận các tổng công ty phát điện trên sàn chứng khoán. |
Xét về quy mô, Genco 2 không có lợi thế về sản lượng điện và doanh thu. Tuy nhiên công ty lại hoạt động rất hiệu quả với lợi nhuận hợp nhất lên đến 3.575 tỷ đồng, cao nhất trong các tổng công ty sản xuất điện trên sàn chứng khoán.
Hiện công ty mẹ Genco 2 có 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, Tổng công ty có 5 công ty con nắm giữ 51% đến dưới 100% vốn điều lệ bao gồm Nhiệt điện Phả Lại ( HoSE: PPC ), Nhiệt điện Hải Phòng ( UPCoM: HND ), Thuỷ điện Thác Mơ (HoSE: TMP), Thuỷ điện Sông Ba Hạ (UPCoM: SBH), CTCP Thuỷ điện A Vương (UPCoM: AVC).
Genco2 sở hữu nhiều đơn vị kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn nhất từ PPC và HND. |
Các công ty con này đang hoạt động khá hiệu quả. Tiêu biểu nhất là Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Hải Phòng có lần lượt lãi hơn 1.260 tỷ và 1.172 tỷ đồng trong năm ngoái, đây là 2 đơn vị do Genco2 nắm giữ 51% vốn.
Trong nửa đầu năm 2020, Genco2 ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% lên 13.739 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cao gấp rưỡi cùng kỳ đạt hơn 700 tỷ đồng. Trong khi đó, Nhiệt điện Hải Phòng có lãi 746 tỷ và Nhiệt điện Phả Lại lãi 415 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Genco2 còn nắm 100% vốn là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đang sở hữu Nhà máy điện có sản lượng thiết kế trên 1 tỷ kWh mỗi năm. Một số nhà máy hạch toán phụ thuộc như Thủy điện An Khê-Kanak, Thủy điện Quảng Trị, Thủy điện Sông Bung và Nhiệt điện dầu Ô Môn.
Ngoài các nhà máy hiện hữu, Genco2 cũng đầu tư thêm vào Dự án điện gió Công Hải 1 (đã phát hành hồ sơ mời thầu EPC cuối tháng 10); Dự án điện gió Hướng Phùng 1 (đã phát hành hồ sơ mời thầu EPC ngày 9/10); Khởi công công trình mở rộng lưu vực bổ sung nước cho Công trình Thuỷ lợi – Thuỷ điện Quảng Trị và vùng hạ du; Xem xét và đề xuất Bộ Công Thương chấp thuận đưa các dự án Điện mặt trời nổi trên lòng hồ vào quy hoạch điện…
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ tính đến 30/9, Genco2 có vốn điều lệ 11.862 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản đạt 27.678 tỷ đồng, trong đó lượng tiền và tiền gửi chiếm 1.165 tỷ đồng. Tổng vay nợ tài chính hơn 15.000 tỷ đồng.
Năm 2020, tổng công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng 8% lên mức 29.784 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất lại giảm 32% về còn 2.435 tỷ đồng.