Cổ phần hóa “siêu tốc”
Như Tiền Phong đã thông tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa tiến hành kiểm tra và chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa , thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Theo kết luận của cơ quan kiểm tra, những vi phạm khuyết điểm của nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù); Thứ trưởng Nguyễn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật, Nguyễn Hồng Trường (đã nghỉ hưu) và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Điều đáng nói, trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn 2011- 2016, Bộ GTVT luôn được đánh giá là đơn vị đi đầu trong tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT phải cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên. Tuy nhiên Bộ GTVT đã thực hiện vượt xa so với kế hoạch đề ra khi cổ phần hóa được 137 doanh nghiệp, trong đó có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty…
Nói về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn tại Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, khi cổ phần hóa 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỷ đồng, thực tế cổ phần hóa được 2.785 tỷ đồng, thặng dư là 632 tỷ đồng. Còn 133 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty khi cổ phần hóa giá trị thu về được 4.184 tỷ đồng, thặng dư tới 1.280 tỷ đồng, vì lúc đó niêm yết chỉ 2.904 tỷ đồng.
“Những doanh nghiệp mà Bộ GTVT cổ phần hóa trong giai đoạn đó, đến thời điểm này, gần như toàn bộ hoạt động có hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động và cũng đảm đương được nhiệm vụ là xây dựng những công trình giao thông trọng điểm”, ông Thể khẳng định.
Gây thất thoát lớn tiền và tài sản
Tuy nhiên trái với tốc độ “siêu tốc” thì quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp ở Bộ GTVT cũng để lại nhiều nghi ngại về sự thất thoát lãng phí. Điển hình là việc cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn (Bình Định). Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là không rõ ràng, thiếu nhất quán, ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Việc Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm Nghị định 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính.
Ðể ngăn chặn tình trạng thất thoát lãng phí, theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cần có thể chế, chính sách để bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Ðồng thời tăng cường quá trình thanh tra, kiểm toán, nếu không sẽ thất thoát lãng phí rất nhiều.
TTCP yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 2 văn bản có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật; chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, Phó trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, tại các kỳ họp Quốc hội trước đây, ông đã nhiều lần đề cập đến những bất cập trong quá trình thực hiện cổ phần hóa này. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 3 (năm 2017), Quốc hội khóa XIV, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có ý kiến với Tổng TTCP về việc cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam. Đến kỳ họp thứ 5 (năm 2018), ông Nhưỡng lại nhắc lại vụ việc này và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xem lại.
“Tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội”, ông Nhưỡng nêu câu hỏi và cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, tài sản không những hạ giá thấp mà còn để ra ngoài một khối tài sản không đưa vào cổ phần hóa, giống như loại quỹ đen của cổ phần hóa. Có đơn vị cổ phần hóa mà lãnh đạo cũng ngỡ ngàng, không biết.
“Một công ty đang làm ăn cực tốt để đến bây giờ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được cổ phần hóa theo sự chỉ định này. Hàng năm phải bỏ hàng trăm tỷ đồng ra để thuê lại. Tôi không biết như thế nhà nước có được gì không, nhân dân có được gì không, hiệu quả của 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa như thế nào, đề nghị xem xét lại?”, ông Nhưỡng đề nghị.
Nhiều doanh nghiệp thoái vốn ngoài sàn Ngoài Cảng Quy Nhơn, không ít doanh nghiệp lớn của ngành GTVT cổ phần hóa bị thoái vốn khi chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Cienco 5, Tổng Cty Thăng Long, Cienco 1, Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT, Tổng Cty Xây dựng đường thủy, Tổng Cty Vận tải đường thủy, Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (Tedi)… Ðiều này khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp không được cọ xát, thực sự theo giá trị thị trường, dẫn đến nguy cơ mất vốn hoặc vốn nhà nước bị bán rẻ khi tiến hành thoái vốn. Theo chiều ngược lại, rất nhiều cổ phiếu của ngành này sau cổ phần hóa đã lên sàn, đem lại giá trị thặng dư cao cho Nhà nước. Ðơn cử, doanh nghiệp tăng giá trị mạnh nhất trên thị trường chứng khoán của ngành GTVT là Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV). Mức giá lúc IPO của doanh nghiệp này là 14 nghìn đồng/cổ phiếu (năm 2015). Có thời điểm, cổ phiếu ACV đạt mức 97 nghìn đồng/cổ phiếu, nâng giá trị của ACV trên sàn chứng khoán đạt mức 194 nghìn tỷ đồng - mức kỷ lục trong số các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay. Trong khi đó, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này vẫn giữ được ở tỷ lệ 95%. Ðây sẽ là một nguồn lực đặc biệt lớn nếu Nhà nước tiến hành thoái vốn. Sỹ Lực