Cụ thể, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong ngày 26/8, trên thị trường mở (OMO) đã có 2 thành viên tham gia đấu thầu, với lượng khớp dù không quá lớn nhưng đáng chú ý.
Khối lượng trúng thầu phiên này là 750 tỷ đồng, với 2 thành viên nói trên, lãi suất phải trả lên tới 4,75%/năm.
Mức lãi suất trên được áp dụng từ giữa tháng 1/2018 đến nay, sau khi giảm từ mức 5% xuống 4,75%/năm (lần điều chỉnh duy nhất trong 6 năm qua).
Với kỳ hạn chỉ 7 ngày, mức lãi suất 4,75%/năm trở nên rất cao so với mặt bằng huy động của các ngân hàng thương mại trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức) hiện nay, cũng như cao hơn hẳn so với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Trong tuần trước, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn; trong đó, chốt tuần, lãi suất VND ở kỳ hạn 1 tuần ở mức 3,31%/năm.
Như vậy có thể thấy, hai thành viên trên có thể khó tiếp cận nguồn vốn trên liên ngân hàng để có được lãi suất thấp hơn hẳn, mà buộc phải tiếp cận kênh hỗ trợ qua OMO của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất cao hơn nhiều.
Trên kênh này, suốt từ đầu năm đến nay hầu hết các thời điểm Ngân hàng Nhà nước chỉ duy trì mức chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,75%/năm.
Với thanh khoản hệ thống dồi dào, từ đầu năm đến nay hầu như lượng vay mượn vốn để cân đối thanh khoản ở kênh này không đáng kể khi thường xuyên không có thành viên tham gia và không có lượng trúng thầu đáng kể.
Tuy nhiên, như trên, giao dịch trong phiên 26/8 có phát sinh đáng chú ý. Trước đó, vào cuối tháng 6/2019 cũng có phát sinh giao dịch hỗ trợ nguồn khá lớn với quy mô 12.000 tỷ đồng.