TTCK Việt Nam chuẩn bị khép lại năm 2020 đầy biến động. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chỉ số VN-Index có lúc về sát 650 điểm, nhưng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh cùng việc duy trì tăng trưởng kinh tế đã giúp TTCK Việt Nam hồi phục mạnh và thậm chí vượt mốc 1.000 điểm trong giai đoạn cuối năm.
Mặc dù diễn biến chung không quá thuận lợi, tuy nhiên thị trường vẫn xuất hiện nhiều nhóm ngành bứt phá mạnh trong năm 2020, mang lại tỷ suất lợi nhuận mơ ước cho nhiều nhà đầu tư như chứng khoán, ngân hàng, thép, khu công nghiệp…Ở chiều ngược lại, nhóm ngành hàng không, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hầu hết cổ phiếu đều sụt giảm mạnh. Dưới đây là những nhóm ngành cổ phiếu nổi bật trên TTCK Việt Nam trong năm 2020.
Cổ phiếu CTCK "dậy sóng" cùng thị trường
Kể từ đỉnh lịch sử 2018, cổ phiếu CTCK nhìn chung đã bước vào downtrend trong bối cảnh thị trường chung ảm đạm và cuộc cạnh tranh gay gắt với các CTCK ngoại. Tuy vậy, từ khi thị trường tạo đáy (31/3) tới nay, hầu hết cổ phiếu CTCK đều bứt phá ngoạn mục và nhiều cổ phiếu thậm chí đã tăng gấp đôi so với đầu năm như VND, SHS, VCI, SSI…
Cổ phiếu CTCK tăng bằng lần trong năm 2020
Diễn biến tích cực của cổ phiếu CTCK đến từ sự bùng nổ về thanh khoản của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn quý 4 với hàng loạt phiên giao dịch kỷ lục trên 15.000 tỷ đồng. Sự sôi động của thị trường thời gian gần đây có nguyên nhân không nhỏ từ việc lãi suất ngân hàng sụt giảm mạnh, kéo theo dòng tiền dịch chuyển vào kênh chứng khoán. Số liệu từ VSD cho biết trong 11 tháng gần nhất, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 330 nghìn tài khoản chứng khoán, nhiều hơn 75% tổng số tài khoản mở mới trong cả năm 2019. Riêng tháng 11 vừa qua, có tới 41.203 tài khoản được NĐT trong nước mở mới, đây là con số kỷ lục trong 1 tháng từ trước tới nay.
NĐT ồ ạt mở tài khoản trong năm 2020
Sự gia nhập ồ ạt của NĐT mới, hay còn được gọi là NĐT "F0" không chỉ giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh mà còn đưa VN-Index hồi phục từ vùng 650 điểm lên sát 1.100 điểm, bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại.
Trong bối cảnh thị trường sôi động như hiện nay, hoạt động môi giới, cho vay margin của các CTCK sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh cũng được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm nay và điều này khiến giới đầu tư đặt kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu CTCK.
Cổ phiếu ngân hàng và sóng niêm yết, chuyển sàn
Trong năm 2020, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục "dậy sóng" thị trường với hàng loạt mã tăng mạnh, thậm chí tăng bằng lần như VIB, SHB, LPB, ACB, HDB…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm qua, đầu tiên phải kể tới làn sóng các ngân hàng lên sàn chứng khoán. Theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm thì hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, điều này dẫn tới làn sóng các ngân hàng lên sàn chứng khoán thời gian gần đây như NAB, BVB, MSB, ABB, SGB…, qua đó giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn với nhóm ngành này.
Cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh trong năm 2020
Bên cạnh câu chuyện lên sàn, nhiều ngân hàng đã chuyển sàn niêm yết sang HoSE như ACB, VIB, LPB, SHB và các cổ phiếu này đều tăng mạnh trong năm qua.
Với vốn hóa nhiều ngân hàng hiện ở mức "tỷ đô", việc chuyển sàn sẽ giúp các ngân hàng này lọt vào các rổ chỉ số như VN30, VNFinLead, VNDiamond, qua đó được đưa vào danh mục đầu tư của nhiều quỹ.
Cùng với câu chuyện chuyển sàn, hoạt động kinh doanh tích cực cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng trưởng của nhóm ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận trước thuế của 13 NHTM giao dịch trên TTCK đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo được công bố, CTCK VNDIRECT cho rằng việc giải ngân đầu tư công và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy kinh tế sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng 2021. Do đó, các ngân hàng sẽ đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. VNDIRECT dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vọt vào năm 2021 khi NIM cải thiện và tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng trưởng của ngành ngân hàng. Trong năm 2020, ACB đã ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền với SunLife hay Vietinbank cũng chính thức ký thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife.
Ngành thép "nóng" cùng giá HRC
Năm 2020 cũng chứng kiến sự bùng nổ của cổ phiếu ngành thép. Hàng loạt cổ phiếu như HPG, NKG, HSG, POM, VGS…đều tăng bằng lần so với đầu năm. Cổ phiếu "đầu tàu" ngành thép HPG cũng có một năm bứt phá ngoạn mục khi tăng gấp đôi và thiết lập đỉnh cao mới.
Đà tăng của cổ phiếu thép trong năm qua đến từ việc giá thép tăng "phi mã". Việc Trung Quốc kích cầu đầu tư công cũng như chính sách thuế chống bán phá giá các sản phẩm tôn, thép có nguồn gốc Trung Quốc, Hàn Quốc đã góp phần làm tăng giá thép trong nước.
Bên cạnh đó, việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) bứt phá mạnh, lập đỉnh lịch sử trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Úc cũng là yếu tố hỗ trợ cho ngành thép. Theo Mirae Asset, giá quặng sắt đã đạt đỉnh 5 năm, lên mức 154 USD/tấn, tăng 93% từ mức đáy tháng 05/2020. Qua đó, trực tiếp khiến giá HRC Thượng Hải đã đạt mức 687 USD/tấn, tăng 46% so với mức đáy vào 03/2020.
Giá HRC bứt phá mạnh trong năm 2020
Cùng với câu chuyện thép tăng giá mạnh, việc các dự án lớn ngành thép trong nước như Hòa Phát Dung Quất, Pomina Phú Mỹ đi vào hoạt động cũng giúp gia tăng sản lượng thép. Theo dự báo, nhu cầu về thép sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 nhờ sự phục hồi của thị trường BĐS cũng như việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công.
Khu công nghiệp, cao su bứt phá cùng "sóng" FDI
Năm 2020 tiếp tục ghi nhận sự bứt phá mạnh của các cổ phiếu Khu công nghiệp, cao su với hàng loạt mã tăng bằng lần, có thể kể tới như NTC, SIP, GVR, LHG, TIP, IDC…Trong đó, NTC với thị giá hơn 280.000 đồng hiện đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất TTCK Việt Nam.
Biến động cổ phiếu Khu công nghiệp, cao su trong năm 2020
Sự bứt phá của nhóm Khu công nghiệp, cao su đến từ câu chuyện thu hút FDI thần kỳ của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt kết quả ấn tượng với 26,4 tỷ USD. Dù giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đây là con số tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, thậm chí con số thu hút FDI này còn lớn hơn cả năm 2018.
Với vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới; cùng với việc gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại WTO, CPTPP, FTA…đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút FDI hàng đầu khu vực.
Cùng với lợi thế về địa chính trị, chiến lược "Trung Quốc +1" với mục tiêu mở rộng hoạt động các nhà máy Trung Quốc sang các quốc gia khác nhằm đa dạng hóa rủi ro và giảm chi phí nhân công cũng thúc đẩy sự dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang ASEAN và Việt Nam là điểm lựa chọn hàng đầu với nhiều lợi thế về giá nhân công, đất, điện rẻ so với các quốc gia trong khu vực. Có thể thấy nhiều tên tuổi lớn như Foxconn, LG, Panasonic…đang dịch chuyển và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Theo đánh giá của CTCK VNDIRECT, giá thuê KCN dù đã tăng mạnh trong 2 năm qua nhưng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 do thiếu hụt nguồn cung, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp còn quỹ đất.
Cổ phiếu hàng không, du lịch lao đao vì Covid-19
Trái với không khí sôi động của nhiều nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, thép, khu công nghiệp…cổ phiếu hàng không, du lịch có một năm đáng quên bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hầu hết các cổ phiếu hàng không, du lịch như HVN, VJC, ACV, AST, NCS, MAS, SAS…đều giảm mạnh so với đầu năm. Một tên tuổi lớn trong ngành du lịch là Vietravel (VTR) dù được kỳ vọng nhiều nhưng thị giá hiện chỉ còn 37.400 đồng, giảm gần 7% so với thời điểm chào sàn vào tháng 9.
Cổ phiếu hàng không, du lịch giảm sâu bởi Covid-19
Dịch Covid-19 đã khiến ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề. Số liệu tổng cục thống kê cho biết trong 11 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 3,07 triệu lượt người, chiếm 80,4% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 76,4%.
Khách du lịch sụt giảm khiến "ông lớn" Vietnam Airlines lỗ hợp nhất 10.676 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong đó phần lỗ thuộc về cổ đông ty mẹ là 10.472 tỷ đồng. Năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất 15.117 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 14.487 tỷ đồng. Trước những khó khăn bủa vây, Vietnam Airlines đã đề xuất gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, bao gồm vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn 8.000 tỷ đồng.