Sau phiên giảm sốc hôm qua, chứng khoán Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch 7/7 khi chỉ số đóng cửa VN-Index tăng 33,76 điểm (2,49%) lên 1.388,55 điểm.
Trong đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ (MWG, PNJ, VRE, DGW, FRT) đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư khi đồng loạt tăng mạnh, thậm chí MWG, PNJ và FRT tăng kịch trần.
Việc cổ phiếu bán lẻ đồng loạt tăng mạnh phần nào gây bất ngờ cho giới đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và điều này gây ảnh hưởng không tới hoạt động các doanh nghiệp bán lẻ.
Dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ nắm lấy cơ hội để gia tăng thị phần cũng như sự thay đổi hành vi mua hàng trên nền kinh tế Internet.
Cổ phiếu bán lẻ đồng loạt tăng trần trong phiên 7/7
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK VNDirect cho biết các doanh nghiệp bán lẻ đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận ròng (ngoại trừ FRT) trong Q1/21, cho thấy xu hướng phục hồi sau đại dịch. VNDirect kỳ vọng sự phục hồi này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2021 để tạo ra sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu bán lẻ.
Các công ty bán lẻ lớn gia tăng thị phần
Theo VNDirect, mặc dù sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ, nhưng nó cũng đã mở ra cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn với các chiến lược hợp lý nhằm củng cố mạng lưới bán lẻ của họ và đạt được thị phần lớn hơn.
VNDirect tin rằng các công ty bán lẻ có thị phần lớn và hoạt động hiệu quả (MWG và PNJ) có thể hưởng lợi từ điều này và đạt được tăng trưởng trong dài hạn. Có thể thấy thời gian gần đây, MWG tiếp tục thực hiện các chiến lược mới để giành thêm thị phần bán lẻ, bao gồm một hình thức mới là B2B và các trung tâm bán lẻ xe đạp; Trong khi PNJ đã đưa ra một loạt các hoạt động như cửa hàng cao cấp mới, concept mới, hợp tác với Pandora theo cách thức shop-in-shop.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, PNJ liên tục tăng trưởng tốt hơn nhu cầu của ngành trang sức tại Việt Nam, khẳng định vị thế của mình trên thị trường trang sức trong nước. MWG cũng đã tích cực mở rộng số lượng DMX supermini kể từ Q4/20 khi MWG nhận thấy DMX supermini có thể cải thiện thị phần ở các khu vực thành thị xa trung tâm.
Thay đổi hành vi mua hàng trên nền kinh tế Internet
VNDirect đánh giá kênh trực tuyến trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ. Các công ty đã xây dựng một hệ thống hậu cần tốt hoặc hệ thống quản lý tốt hàng tồn kho để phục vụ cho kênh trực tuyến có thể đạt được mức tăng trưởng đáng kể từ sự bùng nổ của nền kinh tế Internet. VNDirect tin rằng MWG, FRT và PNJ đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống để đón đầu làn sóng này.
Có thể thấy, chuỗi Bách Hóa Xanh hưởng lợi trong xu hướng chuyển dịch hành vi mua hàng trực tuyến, hướng sang mua sắm bách hóa. Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế internet, doanh thu trực tuyến của MWG đã tăng trưởng trở lại trong Q1/21, trong khi doanh thu trực tuyến của FRT vẫn duy trì đà tăng trưởng hai con số. Doanh thu trực tuyến của PNJ tăng trưởng mạnh, 400% so với cùng kỳ trong Q1/21, nhưng giá trị vẫn thấp so với tổng doanh thu của PNJ.
Tăng trưởng của thị trường thiết bị nhà thông minh tạo cơ hội cho các nhà phân phối và bán lẻ
Với xu hướng nhà thông minh hóa, các nhà phân phối và bán lẻ thiết bị ICT, bao gồm DGW, MWG và FRT, sẽ đón đầu đà tăng trưởng này, đặc biệt DGW là nhà phân phối thiết bị Xiaomi, một công ty công nghệ có hệ sinh thái sản phẩm nhà thông minh đa dạng và quy mô ngày càng lớn thị phần trên thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều thương hiệu quốc tế lớn đã mở cửa hàng tại Việt Nam như Uniqlo, Hadilao, Kohnan Japan. VNDirect cho rằng các nhà vận hành bất động sản bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận ròng nhanh chóng trở lại mức trước Covid-19 khi đại dịch được kiểm soát và vắc-xin Covid-19 được phân phối rộng rãi để đạt được tăng trưởng mạnh sau đó, do Việt Nam có diện tích cho thuê trung tâm thương mại (NLA) trên đầu người mức thấp nhất và giá cho thuê thấp nhất trong khu vực ASEAN.