Ngưỡng cản 1.480 điểm đang tỏ ra khá mạnh đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, phiên giao dịch 16/12 ghi nhận diễn biến đi ngang của VN-Index khi tiến đến sát vùng điểm này. Bên cạnh đó, thị trường bước vào vùng trống thông tin hỗ trợ cũng như phiên 16/12 là phiên đáo hạn phái sinh tháng 12 khiến chỉ số ghi nhận sự giằng co mạnh.
Áp lực bán một lần nữa khiến chỉ số chính của thị trường quay đầu giảm mạnh xuống dưới ngưỡng tham chiếu. Tâm lý thận trọng cũng thể hiện rõ khi thanh khoản duy trì ở mức trung bình với giá trị giao dịch rơi vào khoảng 31.000 tỷ đồng.
Trong khi các nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán, ngân hàng phần lớn quay đầu giảm điểm vào cuối phiên, thì bất ngờ cổ phiếu nhóm Bất động sản - Xây dựng lại có một phiên giao dịch bùng nổ với hàng loạt mã "tím trần" ngay trước thềm phiên ATC, dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị.
Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu cùng ngành khác đã có một phiên tăng mạnh, thậm chí là tăng hết biên độ. Nhóm cổ phiếu đầu ngành như KBC, HDG, NLG, HBC, VGC, CII đồng loạt được bao phủ bởi sắc xanh giá với biên độ lớn, thậm chí VGC còn tăng kịch trần 7% lên mức 59.900 đồng/cổ phiếu; CII cũng có phiên tăng trần thứ 3 trong tuần để leo lên mức 33.850 đồng/cổ phiếu; DIG cũng tăng hết biên độ 7%... Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn hơn thuộc rổ VN30 như GVR hay KDH cũng đã ghi nhận mức tăng từ 0,3% - 3,9% khi đóng cửa.
Cổ phiếu Bất động sản - Xây dựng đồng loạt "dậy sóng" trong phiên 16/12
Đặc biệt là nhóm vốn hóa nhỏ hơn như LDG, ITA, SDU, CEO, HQC, AGG, PTL, SAM,... cũng có một phiên ấn tượng khi tăng mạnh để kết phiên tại mức giá trần. Nhà đầu tư cổ phiếu "họ FLC" hôm nay cũng có một phiên giao dịch "hả hê" khi toàn bộ cổ phiếu nhóm này đều tăng mạnh mẽ, duy nhất ART tăng 5,6% còn lại ROS, FLC, AMD, HAI, KLF đồng loạt tăng kịch trần để đóng cửa trong mức giá "tím lịm".
Cổ phiếu "họ FLC" cũng tím trần
Theo đó, BCM tăng 6,8% gần chạm giá trần trở thành lực kéo chính giúp VN-Index đột phá tăng điểm sát giờ đóng cửa phiên, đóng góp 1,14 điểm tăng cho VN-Index. DIG xếp ngay sau khi đóng góp 0,73 điểm tăng, nhờ tăng trần 6,8% lên mức 87.200 đồng/cổ phiếu. Danh sách cổ phiếu đóng góp đà tăng cho thị trường còn hàng loạt cổ phiếu bất động sản - xây dựng khác như DXG, VGC, PDR, NLG,, ITA, FLC.
Xét theo khối lượng giao dịch, cổ phiếu ROS và FLC là bộ đôi dẫn đầu với xấp xỉ 36 triệu đơn vị được giao dịch trên mỗi cổ phiếu. Chốt phiên, FLC tăng hết biên độ 6,7% lên mức 17.400 đồng/cổ phiếu, dư mua giá trần vượt mức 10 triệu cổ phiếu; ROS cũng không kém cạnh khi tăng 7% lên mức 10.750 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu BĐS mid-caps và penny khác trên HoSE như ITA, LDG hay HQC cũng đồng loạt "kịch trần" với khối lượng giao dịch mỗi cổ phiếu này ghi nhận đột biến với trên 20 triệu đơn vị được khớp lệnh trong phiên. ITA đóng cửa tại mức 17.300 đồng/cổ phiếu (tương ứng tăng 6,8%), LDG tăng 7% lên 15.300 đồng/cổ phiếu; HQC tăng 6,8% để kết phiên tại mức 8.600 đồng/cổ phiếu.
Trên HNX cho phép biên độ dao động lớn hơn, SDU có một phiên giao dịch khởi sắc, biên độ tăng kịch trần đạt 9,4% lên mức 11.600 đồng/cổ phiếu; CEO cũng tăng trần trước khi thu hẹp biên độ sau phiên ATC để kết phiên ghi nhận mức tăng 9,7% lên 49.700 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra các cổ phiếu cùng nhóm ngành trên HNX như HUT, IDJ, DNP, IDC, HLD cũng tăng, song biên độ chủ yếu dưới 2%.
Diễn biến cổ phiếu Bất động sản - Xây dựng trong phiên 16/12 xét theo KLGD
Ngược lại đà tăng chung, một số bluechips VIC, VHM, NVL, VRE lại ghi nhận diễn biến không mấy tích cực khi đồng loạt kết phiên trong mức giá đỏ hoặc tại tham chiếu. VIC, NVL đứng tham chiếu, VHM giảm 0,4%, NVL thì "đánh mất" 1%.
Theo đó, hiệu ứng từ cuộc đấu giá 2,44 tỷ đồng/m2 đất của Tân Hoàng Minh ở khu Thủ Thiêm đã tiếp tục phả hơi nóng vào các cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán. Thông tin hiếm hoi trong vùng trũng thông tin đã phần nào khiến nhà đầu tư kỳ vọng mặt bằng giá đất sẽ được định giá lại, từ đó kéo theo hàng loạt cổ phiếu bất động sản đồng loạt "nổi sóng".
Tại buổi Livestream "Đi tìm điểm cân bằng của thị trường", ông Hà Tiến Hoàng – Chuyên gia cao cấp Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá nhóm cổ phiếu bất động sản đóng góp khá lớn cho đà bứt phá của thị trường. So với mặt bằng chung, nhóm bất động sản đang có xu hướng tăng giá khá tốt, điển hình là hiệu suất tăng giá của nhóm này đã có xu hướng phá đỉnh.
Chiến lược đầu tư cổ phiếu bất động sản mà chuyên gia khuyến nghị đó là chờ tín hiệu vượt đỉnh rõ ràng của các cổ phiếu này ra khỏi vùng kháng cự hoặc tìm kiếm cổ phiếu vừa thoát khỏi vùng kháng cự gần đây và cách vùng đỉnh một khoảng nhất định thì nhà đầu tư có thể xem xét mua vào.