Mới đây, quỹ Samarang UCITS - Samarang Asian Prosperity (Luxembourg) vừa báo cáo giao dịch cổ phiếu ELC của CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử - viễn thông (Elcom, mã chứng khoán: ELC).
Cụ thể, Samarang UCITS đã bán ra gần 72 nghìn cổ phiếu ELC, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,08% từ còn 4,94%, chấm dứt tư cách cổ đông lớn tại Elcom. Giao dịch được thực hiện trong ngày 23/6, thị trường trong ngày cũng không ghi nhận lượng giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu. Do đó, rất có thể quỹ ngoại đến từ Luxembourg đã bán khớp lệnh trên sàn, ước tính thu về hơn 1,1 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 6/2021 đến này, quỹ ngoại này đang đều đặn thoái vốn tại Elcom, từ hơn 4 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu ứng với 8,05% vốn điều lệ giảm xuống nắm giữ 2,5 triệu đơn vị như hiện tại.
Một cổ đông khác là CTCP Chứng khoán SSI vào cuối tháng 5 vừa rồi đã thông bán thoái hơn 420.000 cổ phần Elcom, số cổ phiếu còn nắm giữ là hơn 2,5 triệu đơn vị. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,8% xuống còn 4,96%, không còn đóng vai trò cổ đông lớn tại ELC.
Tính theo mức giá thị trường, ước tính giao dịch đem về cho Chứng khoán SSI hơn 5,2 tỷ đồng. Tính từ thời điểm đầu năm 2020 đến hiện tại, SSI đã thoái hơn 5 triệu cổ phiếu của Elcom.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Elcom và người nhà trong khoảng một năm trở lại đây cũng đang tích cực giảm lượng cổ phần nắm giữ tại Elcom. Trong đó, quỹ ngoại PYN Elite Fund (Non-Ucits) trong tháng 3/2021 đã thông bán bán ra tổng cộng gần 500 nghìn cổ phiếu Elcom, tỷ lệ sở hữu giảm xuống 4,94% và không còn là cổ đông lớn tại Elcom.
Mẹ Chủ tịch HĐQT ELcom Phan Chiến Thắng là bà Nguyễn Thị Bạch Nhật và mẹ Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Elcom Nguyễn Mạnh Hải là bà Phùng Thị Thịnh đã lần lượt thoái hoàn toàn 186 nghìn và 151 nghìn cổ phiếu ELC, giảm tỷ lệ sở hữu còn về bằng 0% vốn.
Cổ phiếu tiếp đà thăng hoa
Những tưởng hàng loạt động thái rút vốn của các cổ đông tại Elcom diễn ra khi diễn biến cổ phiếu giảm điểm nhằm tránh việc vốn bị "bốc hơi", tuy nhiên thực tế là cổ phiếu ELC đã và đang duy trì đà leo dốc mạnh mẽ. Chốt phiên 24/6, thị giá ELC tăng lên mức 15.750 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 70% kể từ đầu năm 2021.
Nếu so với đáy 4.160 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối tháng 3/2020 thì giá trị đã tăng gấp 2,8 lần. Thanh khoản của cổ phiếu ELC cũng tăng đột biến, giá trị mỗi phiên lên đến hơn 1 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Nhìn vào lịch sử giá của cổ phiếu ELC, kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE vào tháng 10/2010, thị giá đã liên tục điều chỉnh, có thời điểm đạt đỉnh 26.120 đồng/đơn vị vào tháng 11/2016 và sau đó đã nhanh chóng lao dốc về vùng 4.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2020.
Về tình hình kinh doanh của Elcom, tại thời kỳ đỉnh cao, công ty chiếm 100% thị phần của Vietnam Mobile và Gtel, 90% thị phần của Vinaphone trong việc cung cấp hệ thống IN, chiếm 50% thị phần SMSC tại Vinaphone, Mobiphone và 40% thị phần tại Viettel cũng như cung cấp hàng loạt các giải pháp công nghệ cho nhà mạng mà Elcom phát triển.
Sau thời hoàng kim vào khoảng năm 2016, thị trường viễn thông chững lại và kết quả kinh doanh của Elcom theo đó đã dần đi xuống cho đến giai đoạn 2019-2020, hoạt đọng của Elcom đã dần trở lại ổn định và bền vững hơn.
Hoàn thành quý 1/2021, Elcom đạt kết quả tích cực 183,8 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các khoản chi phí, Elcom thu lãi 10,2 tỷ đồng, tăng mạnh đến 142,8% so với quý 1/2020. Trong quý, công ty không trích lập khoản phải thu nào.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 diễn ra tháng 4 vừa qua, cổ đông Elcom đã nhất trí với kế hoạch doanh thu thuần kỳ vọng đạt 915 tỷ đồng và LNST 39 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 14% và 25% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, Elcom đã hoàn thành được 20% mục tiêu doanh thu và 26% kế hoạch LNST năm 2021.
Biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2021 tăng mạnh lên mức 19,8% so với mức 12,3% cùng kỳ, chủ yếu từ các dự án viễn thông và giao thông thông minh đã được thực hiện từ trước. Hiện tại, công ty đang tiếp tục triển khai dự án giao thông thông minh tại một số thành phố phía Bắc.
Nghị quyết HĐQT Elcom ngày 21/6 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%, ứng với 1 cổ phiếu được nhận 300 đồng. Cùng với đó, công ty sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 cũng bằng tiền mặt với cùng tỷ lệ là 3%. Như vậy, sắp tới cổ đông của Elcom sẽ nhận được phần cổ tức với tổng tỷ lệ 6%, với hơn 50,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Elcom sẽ chi ra khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Cơ hội phát triển thị trường ngách Giao thông thông minh
Báo cáo đánh giá về Elcom của CTCK BSC mới đây đã nhận định, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông, bên cạnh đó là mức giá trị đấu thầu công nghệ - tập trung vào các dịch vụ trong giao thông thông minh lên đến 4.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để tham gia đấu thầu và gia tăng khối lượng công việc trong thị trường ngách Giao thông thông minh.
Đặc biệt, Elcom – với vị thế doanh nghiệp lâu năm và sở hữu thị phần lớn thứ hai tại thị trường ngách này – có lợi thế lớn trong việc tham gia các gói thầu, từ đó kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong 2 năm tới.
Ngoài ra, Elcom còn đang sở hữu tỷ lệ chi phối với mảnh đất vàng tại 18 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thông qua một công ty con (cổ đông còn lại là SCIC). Theo kế hoạch, Elcom đang có dự định tổ hợp văn phòng 25 tầng. Lợi nhuận cho thuê dự kiến từ 40 – 50 tỷ/năm.
BSC nhận định, mảnh đất là tài sản ngầm có giá trị cao của ELC và kỳ vọng khi công ty triển khai tổ hợp văn phòng cho thuê sẽ tạo ra dòng tiền ổn định trong tương lai.
Dự phóng kết quả kinh doanh cả năm 2021 của Elcom, Chứng khoán BSC kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ vượt kế hoạch, lần lượt đạt 1.101 tỷ và 48 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 37,3% và 55% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, BSC lưu ý rằng do đặc thù ngành nghề, Elcom sẽ có thể gặp rủi ro khi đối tác chậm trễ hoặc không thanh toán hợp đồng dẫn đến nợ xấu. Trong năm 2020, Elcom đã tiến hành trích lập dự phòng 17,5 tỷ cho hai dự án thuộc hai nhà mạng viễn thông là Viettel và VNPT. Tổng giá trị khoản phải thu của hai nhà mạng là gần 105 tỷ đồng. Đại diện Elcom cũng cho biết, khoản phải thu của Viettel sẽ khó có thể thu hồi trong thời gian tới và khoản phải thu của VNPT sẽ không cần trích lập thêm.